Các hãng bay bắt đầu ngừng chuyến đến và đi từ Trung Quốc từ hôm 29/1. British Airways là hãng hàng không quốc tế đầu tiên tuyên bố về việc này. Đây được đánh giá là động thái quyết liệt nhất từ một hãng bay lớn trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng. Trước đó, một số hãng bay đã hủy chuyến tới Trung Quốc, nhưng chưa có hãng nào dừng mọi hoạt động bay như British Airways.
Theo sau là Lufthansa – một trong các hãng bay lớn nhất Đức và châu Âu. Dự kiến, họ không có chuyến bay nào tới Trung Quốc đại lục đến hết ngày 9/2. Ngoài ra, Swiss Airlines, Austrian Airlines, Lion Air cũng tạm dừng các chuyến bay đến quốc gia tỉ dân này. Các hãng hàng không tại Myanmar và Nepal hiện cũng nói không với các chuyến bay tới Trung Quốc.
Trước đó, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã hoãn, hủy và giảm nhiều chuyến bay tới trung tâm dịch bệnh. Cục Hàng không Việt Nam ngừng cấp phép chuyến bay từ Việt Nam đến những tỉnh, thành có dịch của Trung Quốc và ngược lại, từ 29/1.
Kazakhstan, một tối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, cũng ngừng cấp thị thực cho công dân nước này. Họ dừng mọi chuyến tàu chở khách xuyên biên giới và tạm đình chỉ các chuyến bay. Papua New Guinea tuyên bố không du khách nào đến từ châu Á được phép nhập cảnh vào nước mình.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Đức khuyến cáo công dân nước mình tránh du lịch tới Trung Quốc lúc này. Trung Quốc cũng kêu gọi người dân trì hoãn ra nước ngoài, nhất là bay tới các quốc gia đã xác nhận có bệnh nhân bị viêm phổi Vũ Hán.
Trong số 206 công dân Nhật Bản trở về nhà vào ngày 29/1 từ Vũ Hán, 12 người đã phải nhập viện kiểm tra sau khi họ cảm thấy không khỏe, có các triệu chứng giống cúm.
Từ Geneva, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết họ “rất hối hận” về báo cáo của mình tuần trước khi đề cập đến nguy cơ bùng phát toàn cầu của viêm phổi Vũ Hán là “vừa phải”, thay vì “ở mức cao”. Dịch bệnh này đã khiến 132 người chết và hơn 6.000 ca mắc bệnh.
Anh Minh (Theo AFP) – Vnexpress