*Nhật Bản – Saudi Arabia: 20h15 hôm nay 9/1, trên VnExpress.
Trái với 15 đội còn lại tại vòng chung kết U23 châu Á, tấm vé dự Olympic không phải mục tiêu của Nhật Bản. Nhiều đội bóng tại giải, trong đó có Việt Nam, thậm chí mong thầy trò Hajime Moriyasu vào đến ít nhất là bán kết. Bởi khi đó, số suất dự Olympic của châu Á được tăng từ ba lên bốn suất.
Đến Thái Lan trong tâm thế chắc chắn có vé dự Thế vận hội, nhưng Nhật Bản không vì thế mà giảm quyết tâm tiến sâu tại giải. “Dù đã chắc suất dự Olympic, chúng tôi vẫn muốn vô địch”, HLV Moriyasu nói trên trang chủ LĐBĐ châu Á. “Thành tích tại giải này sẽ kiểm chứng xem hướng phát triển của đội U23 có đang đúng đắn hay không. Nếu đăng quang, đội sẽ hướng đến Thế vận hội với sự tự tin”.
Trong ba lần dự giải trước đây, Nhật Bản vô địch năm 2016 và hai lần bị loại tại tứ kết. Ở kỳ giải năm 2018, họ cử đội trẻ với đa phần là các cầu thủ dưới 21 tuổi sang Thường Châu và thua 0-4 trước Uzbekistan – đội sau đó hạ Việt Nam ở chung kết để vô địch. Năm nay, lứa trẻ 2018 đạt độ chín và vì thế, Nhật Bản được xem như ứng cử viên lớn cho danh hiệu. Ở vòng loại, họ ghi 21 bàn và không thủng lưới bàn nào. Thầy trò Moriyasu cũng hạ Brazil 3-2 ở trận giao hữu trước thềm giải U23 châu Á.
Do giải đấu ở Thái Lan không thuộc hệ thống thi đấu chính thức của FIFA, những gương mặt ưu tú nhất của Nhật Bản sẽ bị kẹt ở trời Âu và không thể về dự giải, giống trường hợp của Đoàn Văn Hậu. HLV Moriyasu không thể có sự phục vụ của ngôi sao tấn công Kubo Takefusa – người đá chính tại Mallorca từ đầu mùa và vừa được Real Madrid chiêu mộ. Ông cũng sẽ không có Hiroki Abe (Barcelona B), Koji Miyoshi (Royal Antwerp), Daizen Maeda (Maritimo), Tomiyasu Takehiro (Bologna) hay Ritsu Doan (PSV).
Cầu thủ duy nhất đang thi đấu ở châu Âu được hội quân cùng Nhật Bản là Ryotaro Meshino – người thuộc biên chế Man City và đang đá cho Hearts theo dạng cho mượn. Meshino sẽ cùng dàn sao trẻ nội địa tiềm năng như Ao Tanaka – người lập cú đúp vào lưới Brazil, Suga Daiki hay Ayase Ueda sắm vai trụ cột của Nhật Bản ở bảng đấu gồm toàn những đối thủ Tây Á, như Saudi Arabia, Syria và Qatar.
HLV Moriyasu đề cao các đối thủ Tây Á khi cho rằng các đại diện ở khu vực này chơi phản công sắc bén nhờ khả năng chuyển đổi trạng thái linh hoạt. Nhưng đối thủ của Nhật Bản ở trận ra quân, Saudi Arabia, lại không tôn thờ lối chơi đó. Giống ĐTQG, lứa U23 của Saudi Arabia lấy tấn công làm chủ đạo. Trong số các đội dự giải, thầy trò Saad Al-Shehri chuẩn bị kỹ bậc nhất. Từ sau vòng loại U23 châu Á, họ đá tới 10 trận giao hữu. Saudi Arabia đạt kết quả không quá khả quan khi thắng ba, hòa ba và thua bốn. Nhưng ở ba trận gần nhất, họ bất bại, khi thắng Bahrain, Thái Lan và hòa ĐKVĐ Uzbekistan 2-2.
Tương quan lực lượng ở bảng B cho thấy Nhật Bản nhỉnh hơn ba đội Tây Á. Saudi Arabia nhiều khả năng cạnh tranh vé đi tiếp còn lại với Syria và Qatar – những người không còn các trụ cột như Almoez Ali hay Akram Afif như tại Thường Châu hai năm trước. Bảng đấu, tuy không được xem là tử thần, nhưng hứa hẹn có chất lượng chuyên môn cao khi ba trong bốn đội (Nhật Bản, Saudi Arabia và Qatar) từng dự World Cup U20 năm ngoái.
Nhân Đạt – Vnexpress