Nhạc kịch khắc họa góc khuất đời sống nghệ sĩ trẻ

Hai chàng sinh viên trong vở “Cô gái và chiếc xe máy” chạy xe ôm kiếm sống, dính đến xã hội đen vì vay nặng lãi. 

Cô gái và chiếc xe máy do tác giả Hàn Quốc – Lee San – viết kịch bản, NSƯT Hoàng Lâm Tùng làm đạo diễn. Kịch xoay quanh Bình và Thanh – hai thanh niên không phải con nhà nòi, gia cảnh khó khăn nhưng mơ ước trở thành diễn viên, ca sĩ. Dù bị người thân ngăn cấm, hai chàng trai vẫn dấn thân theo đuổi ước mơ. Họ góp vốn làm ăn với bạn bè nhưng thua lỗ nặng, phải “vay nóng” xã hội đen. 

Tác phẩm xây dựng nhiều tình huống éo le. Bạn gái Bình – hoạt động cùng nhóm nhạc với anh – đi xin việc làm thêm và bị gạ gẫm trở thành tiếp viên quán karaoke. Bình đi chở xe ôm lúc đêm khuya, bị khách là một gái bán hoa bùng tiền. Bình tìm hiểu và bỏ qua vì biết cô gái là một ca sĩ không tên tuổi. Bố Thanh biết con nợ nần nên quyết định bán thận.

NSƯT Phú Đôn trong vở Cô gái và chiếc xe máy, diễn ngày 30/12. 
NSƯT Phú Đôn trong vở “Cô gái và chiếc xe máy”, do Nhà hát Kịch Việt Nam diễn ngày 30/12. 

Diễn xuất tròn trịa của dàn diễn viên là điểm cộng của tác phẩm. Đóng vai nhân vật bố Thanh, NSƯT Phú Đôn khiến người xem xúc động khi tái hiện hình ảnh lão nông hiền lành, thật thà, sẵn sàng hy sinh vì con cái. NSND Việt Thắng gây cười với vai ông trùm xã hội đen. Các diễn viên trẻ như Hồng Phúc, Minh Tùng, Khánh Linh thể hiện khả năng hát, múa, nhảy nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, do các diễn viên không sử dụng micro, nhiều khán giả ở xa sân khấu không nghe rõ một số đoạn thoại, nhất là khi các nhân vật thể hiện cảm xúc trầm lắng. 

Cốt truyện buồn nhưng vở kịch gửi gắm thông điệp về niềm tin, ước mơ của các bạn trẻ thông qua phần âm nhạc. Hai ca khúc La Vi En Rose (Cuộc đời màu hồng) và O Sole Mio (Mặt trời của tôi) trở đi trở lại trong tác phẩm. La Vi En Rose nói về tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống trong khi O Sole Mio là khúc ca về niềm tin vào lý tưởng của mỗi người. Các nhân vật khi hát với đàn guitar, dàn nhạc, lúc hát mộc, tạo nên cảm xúc khác biệt trong từng phân đoạn. 

Sân khấu được thiết kế với nhiều đạo cụ tượng hình – trong đó có một chiếc lồng lớn, nơi các nhân vật cùng nhau ca hát. Cuối tác phẩm, họ vùng vẫy thoát khỏi chiếc lồng, ngụ ý về việc mỗi người cần tự giải quyết bế tắc trong cuộc sống, cởi bỏ những khúc mắc của bản thân. 

Vở kịch cũng lồng ghép nhiều thông điệp liên quan đến nghệ thuật. Bố Bình nói: “Người làm nghệ thuật phải có tài năng và may mắn song hành, vinh quang và cay đắng chỉ cách nhau một gang”. Nhân vật gọi các diễn viên là những kẻ “vừa trẻ vừa già, vừa khỏe vừa yếu, vừa thiếu vừa thừa”. Họ hóa thân nhiều nhân vật trên sân khấu, trong phim ảnh nhưng chẳng mấy ai hiểu được con người thật của họ.

Là vở kịch hợp tác với Nhà hát Acsan Theater Company (Hàn Quốc), tác phẩm đan xen nhiều nét văn hóa Việt – Hàn, phù hợp khán giả trẻ. Trong nhiều phân đoạn, các nhân vật nhảy múa trên nền các bản hit K-Pop như Sorry Sorry (Super Junior), Abracadabra (Brown Eyed Girls), tạo không khí sôi động. Vở Cô gái và chiếc xe máy sẽ diễn thêm một số buổi trong năm 2020. 

Hà Thu – Vnexpress