Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang

Nhà máy đóng tàu Năm Căn hoang hóa, gỉ sét sau gần 12 năm được Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đầu tư 1.000 tỷ đồng xây dựng.
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Dự án đóng tàu Vinashin Năm Căn đầu tư giai đoạn I vào năm 2008, với tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng, nằm bên bờ sông Cái Lớn, thuộc ấp Xóm Trong, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Dự án được triển khai trên diện tích 58 ha đất thu hồi, giải tỏa của 127 hộ dân, chủ yếu là những hộ sản xuất tôm giống, nuôi tôm thịt và mua bán nhỏ. Theo thiết kế, nhà máy có năng lực đóng mới tàu trọng tải 5.000 -10.000 tấn, và sử dụng khoảng 4.000 công nhân.
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Từ khi xây dựng, nhà máy chưa đi vào hoạt động. Đến nay, sau gần 12 năm đầu tư, các trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng… bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm.
Khi Vinashin bắt tay đầu tư dự án, đúng lúc nền kinh tế thế giới bắt đầu suy thoái, nhu cầu về đóng tàu giảm mạnh. Báo cáo kiểm toán năm 2009 cho thấy vốn chủ sở hữu của Vinashin chỉ ở mức 4.700 tỷ đồng, tuy nhiên vay nợ hơn 96.000 tỷ đồng. Hàng trăm công ty con của Vinashin bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án, song không thu lại được. Kiểm toán Nhà nước xác định lỗ thực của Vinashin năm 2009 lên tới 5.000 tỷ đồng.
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Vinashin sau đó buộc phải tái cơ cấu, chuyển giao 216 công ty con cho PVN và Vinalines. Tuy nhiên, sau khi được giao chủ mới, dự án vẫn “án binh bất động”, rồi bỏ hoang.
Nhà máy đóng tàu này được kỳ vọng là “khai phá rừng đước Năm Căn” nay nhiều hạng mục công trình như cầu cảng, cầu tàu chính tải trọng lên đến 200.000 tấn nằm phơi sương, phơi nắng, hoang phế, khuất trong đám cỏ lau.
Ngoài dự án ở Cà Mau, dưới thời cựu chủ tịch Phạm Thanh Bình, Vinashin còn lâm vào các dự án thua lỗ khác như tổ hợp nhà máy thép – điện ở Cái Lân trị giá 3.300 tỷ đồng; hay mua tàu Hoa Sen với giá 1.300 tỷ đồng về đắp chiếu; bỏ 3.200 nghìn tỷ đồng mua 6 con tàu có tuổi từ 22 đến 26 năm tuổi…
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Trục quay của cầu tàu đã gỉ sét. Người dân địa phương nói rằng, đến nay họ thật sự vỡ mộng được vào làm công nhân cho nhà máy. Theo chính quyền địa phương, khi mới triển khai, Vinashin phối hợp với tỉnh Cà Mau tuyển chọn lao động, đào tạo công nhân; thậm chí mời cả Đại học Giao thông Vận Tải – chi nhánh tại TP HCM mở hai lớp đại học về máy thủy và thiết kế tàu thủy, nhưng dự án sau đó không hoạt động, nhiều sinh viên được đào tạo ra không có việc làm.
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Các thiết bị chưa kịp lắp ráp nằm ngổn ngang như đống phế liệu trên bãi đất ven sông Cái Lớn.
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Một bệ đường ray của cầu tàu thường xuyên ngập nước triều cường và phơi nắng nên cũng hư hỏng, hoen gỉ.
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Một số thiết bị nặng hàng trăm kg được đưa lên cao, đang trở thành mối nguy hiểm cho người dân vào khu vực này săn bắt hải sản.
Nhà máy đóng tàu 1.000 tỷ đồng bỏ hoang
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau cho biết đã rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp vì vi phạm hợp đồng, và đang kêu gọi đầu tư tại dự án này. Trong thời gian này, khu nhà xưởng rộng cả trăm m2 được người dân dùng làm bãi sửa chữa tàu thuyền.

Hoàng Hạnh – Vnexpress