Bắt đầu học boxing từ năm 2009, ở tuổi 13, Nguyễn Văn Đương chỉ nặng 32 kg. Nhìn chú bé tuổi trung học cơ sở thấp bé hơn bạn bè đồng trang lứa, các thầy và đồng đội gọi Đương là “Gà con”. Biệt danh ấy như một dự báo cho lối đánh tấn công chủ động, hệt như những chú gà con đi tìm mồi, của võ sĩ người Hà Nội sau này.
Ở sàn đấu chuyên nghiệp, những tay đấm đỉnh cao đều dựa nhiều vào kỹ năng phòng ngự và kiểm soát trận đấu. Floyd Mayweather, Canelo Alvarez và Tyson Fury là những ví dụ điển hình. Nhưng ở sân chơi nghiệp dư, tấn công lại là con đường ngắn nhất để rút khoảng cách trình độ khi thượng đài.
Theo luật thi đấu mới được áp dụng từ năm 2019, trọng tài sẽ xử thắng bằng điểm RSC (tương đương knock-out kỹ thuật ở quyền Anh chuyên nghiệp), nếu một võ sĩ cho đối phương nằm sàn (knock-down) hai lần trong một hiệp đấu. Nguyễn Văn Đương tận dụng triệt để quy định này trong trận tứ kết vòng loại Olympic Tokyo 2020 hạng 57kg, gặp đàn anh dày dạn kinh nghiệm Chatchai-decha Butdee.
Khi Nguyễn Văn Đương mới tập tành boxing, Butdee đã giành HC vàng SEA Games 25 trên đất Lào. Khi võ sĩ Việt Nam đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp tại các giải trẻ toàn quốc, Butdee đã thành tượng đài của boxing Đông Nam Á. Anh từng giành HC đồng giải nghiệp dư thế giới năm 2013, đoạt bốn HC vàng SEA Games và một lần vô địch châu Á vào năm 2015. Sự nghiệp lẫy lừng giúp tay đấm sinh năm 1985 được bình chọn là nam VĐV tiêu biểu của Thái Lan năm 2013.
Ba tháng trước, Butdee gặp Nguyễn Văn Đương ở chung kết SEA Games 30 và thắng điểm một cách thuyết phục. Trước đó, võ sĩ Việt Nam bị rách cả hai mắt ở trận bán kết với Latt Naing của Myanmar, và bị cản tầm nhìn đáng kể ở trận tranh HC vàng. Tuy nhiên, khi so găng tại Jordan, Nguyễn Văn Đương lột xác. Anh áp đảo đàn anh hơn 11 tuổi ngay sau tiếng cồng khai cuộc và chỉ cần 60 giây đã giành điểm RSC.
Tại giải Victory 8 mang tên “Legends of Hoan Kiem”, võ sĩ sinh năm 1996 cũng chạm trán đàn anh trên cơ Jenel Lausa. Võ sĩ người Philippines là một VĐV chuyên nghiệp, giữ mạch bất bại trước khi tới Việt Nam, và liên tục dồn ép Nguyễn Văn Đương suốt ba hiệp đầu. Nếu không thể knock-out ở hiệp cuối, Đương gần như chắc chắn thua điểm. Giữa khó khăn, anh không nản chí, quyết duy trì thế đôi công và hưởng trái ngọt bằng đòn tay sau sở trường, khi trận đấu chỉ còn ít giây nữa.
Trong nhóm những võ sĩ nổi bật nhất ở hạng 57kg, cùng với Trần Phú Cường và Nguyễn Văn Giới, Nguyễn Văn Đương được biết đến muộn nhất. Trước hôm lên đường sang Jordan, hy vọng vàng trong việc giành vé dự Olympic 2020 của boxing Việt Nam đặt lên vai của hai nữ VĐV: Nguyễn Thị Tâm (51kg) và Nguyễn Thị Hương (75kg). Nguyên do là tại Olympic 2020, boxing nữ được tăng thêm hai hạng cân, trong khi boxing nam bị giảm hai hạng cân. Trong khi Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Hương được đánh với những võ sĩ đồng cân đồng lạng, Nguyễn Văn Đương sẽ phải đối đầu nhiều đối thủ có lợi thế thể hình do ép cân.
Trước giờ lên sàn, áp lực càng đè nặng lên Nguyễn Văn Đương bởi hy vọng số một Nguyễn Thị Tâm đã bị loại, sau khi thua võ sĩ Chang Yuan của Trung Quốc. Nhưng bằng một quyết định mạo hiểm và chính xác, anh trở thành võ sĩ boxing Việt Nam dự Olympic đầu tiên sau 32 năm, kể từ tấm vé tới Olympic Seoul 1988 của Đặng Hiếu Hiền.
Thần tượng huyền thoại quyền Anh hạng lông Naseem Hamed, người chỉ cao 1m64 (thấp hơn Nguyễn Văn Đương 5cm) nhưng có chuỗi 15 trận giữ đai WBO thành công vào cuối thập niên 1990, Đương muốn hoàn thiện hơn nữa khả năng di chuyển. Ở tuổi 24, Nguyễn Văn Đương còn nhiều thời gian để hoàn thiện kỹ thuật, như lời ông thầy ở đội CAND Nguyễn Anh Dũng từng nhận xét.
Nhưng đó là chuyện của tương lai, sau khi Nguyễn Văn Đương dự Olympic 2020 và tiến lên sàn đấu chuyên nghiệp. Còn ở hiện tại, tay đấm vừa đi vào lịch sử boxing Việt có đủ lợi thế trong đánh cự ly gần, nhờ nhiều quy định bảo vệ võ sĩ của luật boxing nghiệp dư.
Thắng Nguyễn – Vnexpress