Nguyễn Trần Khánh Vân: Hoa hậu đầu tiên đến Cồn Cỏ

Khi nhìn lại một năm đăng quang, khoảnh khắc mà tôi rất yêu và rất nhớ là buổi đi từ thiện đầu tiên vào sáng 9-12-2019 trong cương vị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã mở đầu rất nhiều chuyến thiện nguyện khác mà tôi may mắn được góp mặt.
Nguyễn Trần Khánh Vân: Hoa hậu đầu tiên đến Cồn Cỏ - Ảnh 1.
Ảnh: HẢI AN

Tôi may mắn khi được là người con của Việt Nam, được sống an yên trong giai đoạn đầy biến động này của nhân loại, là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và được lan tỏa tình cảm, tấm lòng của một người Việt trẻ, đầy nhiệt huyết đến mọi nẻo đường, ngõ ngách của đất nước

KHÁNH VÂN (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam)

Điểm đến khi đó của chúng tôi là mái ấm Hy Vọng (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) – nơi đang nuôi dưỡng 28 trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài giao lưu văn nghệ, tôi nhớ mình còn hướng dẫn các em đi catwalk để khích lệ sự tự tin, vượt qua những rào cản về tâm lý, giúp các em có động lực để phát triển bản thân, sống có ước mơ, lý tưởng và trách nhiệm.

Dù chỉ một bé cũng sẽ hết lòng

Chuyến từ thiện đầu tiên trong cương vị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đó cũng đã “kích hoạt’” rất nhiều chuyến đi, cuộc gặp gỡ mà tôi thường gọi là “điểm đến của những tấm lòng”. Khi nghĩ về một năm “làm hoa hậu” của mình, tôi đã không thể nhớ hết tất cả địa điểm, sự kiện mà tôi đã đến.

Bởi lẽ có những chuyến đi được quyết định trong tích tắc, rất cấp bách và liên tục trong nhiều ngày liền.

Hầu hết các chuyến công tác của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đều từ kết nối của Tổ chức Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam (Unicorp). Nhưng sau những chuyến gọi là “công tác” đó, tôi đã không ít lần trở lại các cơ sở từ thiện, các mái ấm, trung tâm… với tư cách cá nhân.

Trường khiếm thính Lâm Đồng là một trong những địa chỉ mà tôi đã quay lại. Bởi sau chuyến công tác, tôi cứ nhớ mãi điệu nhảy các bạn dành cho mình. Các bạn không nghe được nhưng vẫn nỗ lực tập luyện để có những tiết mục trình diễn tuyệt vời dành cho đoàn đến thăm.

Các bạn tự tin chia sẻ về cuộc sống, ước mơ và khát vọng… Tôi đã quay lại để được nghe nhiều hơn, học nhiều hơn. Và thật hạnh phúc khi giờ đây chúng tôi đã có thể “nói chuyện” với nhau mỗi ngày nhờ kết bạn trên Facebook.

Tôi tin mỗi người sẽ có “duyên” với một nơi nào đó. Trong hành trình thiện nguyện một năm qua của mình, cơ duyên lớn nhất mà tôi có được là trở thành tình nguyện viên của ngôi nhà One Body Village (OBV).

Từng là nạn nhân bất thành của quấy rối tình dục, tôi hiểu rõ những tổn thương, bất ổn tâm lý dai dẳng mà một bé gái phải gánh chịu khi bị quấy rối, xâm hại. Vậy nên khi có cơ hội để nói lên tiếng nói, gióng lên hồi chuông báo động hay giúp đỡ các nạn nhân của quấy rối, xâm hại tình dục, tôi sẽ luôn hết lòng.

Hành trình giải cứu các bé thật gian nan, nhưng tôi chưa bao giờ nản hay có ý định bỏ cuộc. Tôi đã tham gia nhiều lớp học tâm lý và kỹ năng trước khi bắt đầu công việc của mình. Không phải cuộc giải cứu nào cũng thành công, không phải chuyến đi nào cũng suôn sẻ và vẫn còn rất nhiều hối tiếc, ray rứt… nhưng tôi luôn tâm nguyện sẽ cố gắng làm việc này đến khi nào không còn cơ hội nữa.

Một mối duyên đẹp

Sứ mệnh, hay đúng ra là tâm nguyện, mà tôi dành cho OBV là suốt cuộc đời. Nhưng trong hành trình đó, tôi vẫn may mắn được gặp nhiều mối duyên đẹp khác. Chuyến đi cùng báo Tuổi Trẻ trao quà giúp bà con ở huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khắc phục hậu quả sau bão số 13 hồi giữa tháng 12-2020 là một trong số đó.

Dù đã tham gia nhiều chuyến cứu trợ bà con vùng bão lũ nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có cơ hội ra tận Cồn Cỏ – một trong những hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những cơn bão liên tiếp đổ vào miền Trung, đặc biệt là cơn bão số 13, đã làm nhà của 19 hộ dân trên đảo tốc mái.

Gia súc, gia cầm chết; lương thực, nước ngọt thiếu hụt vì di chuyển, cứu trợ từ đất liền ra đảo gặp nhiều khó khăn… Vị trí địa lý, “nhiệm vụ” đặc biệt của Cồn Cỏ cùng câu chuyện “hoa hậu đầu tiên đến Cồn Cỏ” khiến tôi rất nôn nóng được đặt chân đến đảo.

“Sau cơn mưa trời lại sáng”, Cồn Cỏ đón chúng tôi vào một ngày nắng đẹp. “Hành lý” mang theo ngoài những tấm tôn mới để các hộ dân lợp lại mái còn có 19 nồi cơm điện và tiền mặt (mỗi hộ 1 triệu đồng) để người dân cải thiện bữa ăn sau những ngày bão lũ.

Sau thăm hỏi, trao quà cho các hộ dân, vui đùa và chụp ảnh lưu niệm cùng các bé mầm non trên đảo, tôi còn may mắn được tham gia buổi chào cờ cuối cùng trong năm trên đảo Cồn Cỏ.

Dưới cột cờ Cồn Cỏ, giữa biển trời mênh mông trong buổi sáng thứ hai đầu tuần, lòng tôi dâng lên niềm tự hào khó tả.

Cùng với lãnh đạo, bà con, chiến sĩ của các lực lượng bảo vệ an ninh tổ quốc, tôi hát quốc ca thật dõng dạc trong niềm tin mãnh liệt sẽ vượt qua mọi gian khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Dù đang trải qua một nhiệm kỳ hoa hậu mà nhiều người cho là “xui xẻo”, bất lợi vì COVID-19 nhưng tại cột cờ Cồn Cỏ vào những ngày cuối cùng của “năm COVID”, tôi lại thấy mình may mắn và hạnh phúc.

Sau những chuyến đi thiện nguyện, tôi hạnh phúc nhận ra những gì mình “cho đi” thật nhỏ bé so với những gì mình nhận được.

Ngoài tình cảm của những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt mà tôi đã đến thăm, sự tin yêu của những người đồng hành, tôi còn học được những bài học, có được những trải nghiệm quý giá mà tôi tin rằng nếu không may mắn trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có lẽ suốt cuộc đời này tôi vẫn không thể nào có được. Từ tận đáy lòng, tôi nguyện sẽ lao động chăm chỉ và “cho đi” thật nhiều.

Tạm biệt năm Canh Tý 2020 với những công việc còn dang dở. Chào năm Tân Sửu 2021 với những thử thách và vận hội mới. Xin gửi đến tất cả mọi người tình yêu thương, lời chúc sức khỏe, bình an, thành công và hạnh phúc.

Theo KHÁNH VÂN (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam) – QUỲNH NGUYỄN ghi – Tuổi Trẻ