Nguy cơ không thể truy vết tin giả vì deepfake

Oliver Taylor, tự nhận là sinh viên Đại học Birmingham, là một thanh niên hơn 20 tuổi, mắt nâu, râu lún phún, nụ cười gượng gạo. Nhưng anh không phải người thật.

Hồ sơ trên mạng mô tả Taylor thích uống cà phê, đam mê chính trị và lớn lên trong một gia đình Do Thái truyền thống. Hàng loạt bài viết trên mạng cho thấy người này có hứng thú nghiên cứu chủ nghĩa bài Do Thái, cùng một số bài đăng trên báo Jerusalem Post Times of Israel.

Đại học Birmingham cho biết không có dữ liệu nào về thanh niên này. Anh ta cũng không có dấu vết nào trên mạng trừ một tài khoản ở trang hỏi đáp Quora, nơi Taylor hoạt động trong vòng hai ngày hồi tháng 3. Các tờ báo đăng bài viết của Taylor cho biết họ không thể xác nhận danh tính tác giả. Nhiều chuyên gia hình ảnh với công cụ phân tích hiện đại nhận định ảnh chân dung của Taylor được tạo nhờ công nghệ deepfake.

Hiện chưa ai xác định được người đứng sau Taylor. Các cuộc gọi vào số điện thoại liên lạc của Taylor ở Anh đều nhận được thông điệp báo lỗi tự động và anh ta cũng không phản hồi tin nhắn gửi vào hòm thư Gmail.

Ảnh chân dung trên hồ sơ mạng xã hội của Oliver Taylor.
Ảnh chân dung trên hồ sơ mạng xã hội của Oliver Taylor.

Học giả Mazen Masri là người đầu tiên nghi ngờ về sự tồn tại của Taylor. Ông từng gây chú ý cuối năm 2018 khi thay mặt nhiều công dân Mexico khởi kiện công ty do thám NSO ở Israel vì phần mềm hack điện thoại do họ phát triển.

Trong bài viết trên tờ Algemeiner của cộng đồng Do Thái tại Mỹ, Taylor tố Masri và vợ Ryvka Barnard là “những kẻ ủng hộ khủng bố”.Vợ chồng Masri tỏ ra choáng váng và bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cảm thấy khó hiểu khi một sinh viên đại học ở Anh lại công kích họ.

Masri tìm kiếm thông tin về Taylor. “Có gì đó không đúng trên khuôn mặt người thanh niên đó”, học giả này cho hay, dù ông không thể chỉ rõ điều đó.

Sáu chuyên gia được Reuters phỏng vấn cho rằng ảnh chân dung Taylor có nhiều dấu hiệu của deepfake. “Sự biến dạng và các đặc điểm không nhất quán ở phần nền là điển hình của ảnh giả mạo, ngoài ra có nhiều lỗi quanh phần cổ anh ta”, Hany Farid, chuyên gia phân tích hình ảnh đang giảng dạy ở Đại học California của Mỹ, cho hay.

Mario Klingermann, nghệ sĩ thường ứng dụng deepfake trong tác phẩm của mình, khẳng định bức ảnh có hàng loạt dấu vết giả mạo. “Tôi chắc chắn 100%”, ông nói.

Nhân vật Taylor là một trong những ví dụ về hiện tượng đang gây lo ngại trong thời đại kỹ thuật số, đó là công nghệ deepfake kết hợp với những chiến dịch tung tin giả. Điều này đang đặt ra nhiều mối lo cho chính quyền Mỹ và các công ty tại Thung lũng Silicon.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff năm ngoái cảnh báo video dùng kỹ xảo máy tính có thể “biến một lãnh đạo thế giới thành con rối”.

Facebook trong tháng 6 thông báo kết thúc Thử thách Phát hiện Deepfake, cuộc thi nhằm giúp các nhà nghiên cứu phát hiện những hình ảnh giả mạo. Tờ Daily Beast tuần trước cũng hé lộ nhóm ký giả deepfake, một phần của mạng lưới tung tin giả trên mạng.

“Những trường hợp như Taylor ẩn chứa nhiều nguy cơ vì nó có thể giúp xây dựng danh tính hoàn toàn không thể truy dấu. Những cuộc điều tra nguồn gốc hình ảnh đó giống việc mò kim đáy bể, mà ở đây cây kim còn không tồn tại”, Dan Brahmy, người sáng lập startup chuyên phát hiện hình ảnh giả mạo Cyabra, nêu quan điểm.

Masri, nạn nhân công kích của Oliver Taylor. Ảnh: Reuters.
Masri, nạn nhân công kích của Oliver Taylor. Ảnh: Reuters.

Taylor dường như không hiện diện trên mạng cho tới khi đăng một số bài viết từ cuối tháng 12/2019. Đại học Birmingham cho biết họ không thể tìm thấy “bất kỳ thông tin về cá nhân sử dụng dữ liệu đó”. Các biên tập viên Jerusalem PostAlgemeiner đăng bài viết được Taylor gửi cho họ qua email. Anh ta không đòi nhuận bút và họ cũng không chủ động xác định danh tính của Taylor.

“Chúng tôi không phải cơ quan phản gián”, tổng biên tập Algemeiner Dovid Efune nói.

AlgemeinerTimes of Israel đã xóa các bài viết của Taylor. Người này sau đó gửi email phản đối, nhưng biên tập viên Miriam Herchlag của Times of Israel bác bỏ yêu cầu sau khi Taylor không thể chứng minh danh tính của mình. Trong khi đó, Efune không hồi đáp thông điệp từ Taylor.

Jerusalem Post vẫn giữ bài viết của Taylor, nhưng bỏ cụm từ “những kẻ ủng hộ khủng bố” sau khi nhận thông báo từ Masri và Barnard.

Các bài viết của Oliver Taylor không thu hút được nhiều tương tác trên mạng xã hội, nhưng Herschlag cho rằng chúng vẫn rất nguy hiểm. Nó không chỉ tác động đến suy nghĩ của cộng đồng, mà còn khiến các nhà quản lý không sẵn lòng tiếp nhận bài viết từ những tác giả không rõ danh tính.

“Chúng ta cần sàng lọc những kẻ giả mạo và tăng cường cảnh giác, nhưng tôi cũng không muốn tạo ra rào cản ngăn những ký giả mới xuất hiện”, bà nói.

Điệp Anh (theo Reuters) – Vnexpress