Nguồn cơn Covid-19 tái bùng phát ở các bang Mỹ

Khi nhiều nơi trên thế giới dần kiểm soát được Covid-19, số ca nhiễm tại Mỹ lại tăng vọt trở lại với nhiều điểm nóng mới.

Trong vòng 14 ngày qua, hơn 20 bang tại Mỹ chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm nCoV mới, trong đó nghiêm trọng nhất là Texas, Florida, Arizona và California. Một trong số những nguyên nhân khiến số ca nhiễm nCoV mới ở Mỹ gia tăng là công tác xét nghiệm được tiến hành hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ dương tính cao cho thấy việc thúc đẩy xét nghiệm không phải lý do duy nhất khiến các con số tăng vọt, bởi nếu virus đã được kiềm chế, số ca dương tính cũng sẽ giảm theo. Trên thực tế, tình hình đại dịch đang trở nên nghiêm trọng tại miền nam và miền tây nước Mỹ.

Tại bang Texas, sau gần ba tháng duy trì được số ca nhiễm nCoV mới khoảng 1.000 – 2.000 mỗi ngày, các con số lại tăng đột biến trong hai tuần qua, với khoảng 6.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, biến Texas thành tâm dịch mới của Mỹ. Điều này dẫn đến số ca nhập viện cao kỷ lục, đạt 5.913 vào ngày 29/6, làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống y tế bang sẽ sớm bị quá tải.

Đám đông biểu tình chống lại lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ, hôm 28/6. Ảnh: Reuters.
Đám đông biểu tình chống lại lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại thành phố Austin, bang Texas, Mỹ, hôm 28/6. Ảnh: Reuters.

Peter Hotez, giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine tại Bệnh viện Nhi Texas, nhận định nếu tình hình này vẫn tiếp diễn, Houston, thành phố đông dân nhất bang, “sẽ sớm trở thành ổ dịch tồi tệ nhất Mỹ”, có nguy cơ tương tự diễn biến đáng lo ngại ở Brazil. “Tôi thực sự không thể nhìn ra cách giúp mọi thứ tiến triển tốt hơn”, Hotez viết trên Twitter.

Nhiều người đánh giá nguyên nhân chính khiến Covid-19 trỗi dậy ở Texas nằm ở việc bang này là địa phương tiên phong dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống đại dịch. Bất chấp sự phản đối của các thị trưởng và lãnh đạo hạt, Thống đốc Greg Abbott vẫn quyết định gỡ yêu cầu ở nhà vào ngày 30/4, cho phép gần như toàn bộ doanh nghiệp nối lại hoạt động với ít nhất 50% năng suất hồi đầu tháng 6.

Diễn biến mới buộc Abbott tuần trước phải đóng cửa tất cả quán bar, đồng thời yêu cầu các nhà hàng giảm năng suất từ 75 xuống 50%. “Nếu có thể làm lại bất cứ điều gì, có lẽ tôi sẽ trì hoãn việc tái mở cửa quán bar”, Thống đốc Texas thừa nhận.

Những nhà hàng và quán bar đông đúc dường như là nguyên nhân dẫn đến một xu hướng của đại dịch trên toàn nước Mỹ. Đó là độ tuổi trung bình của các ca nhiễm đang giảm dần. Hồi đầu tháng, Abbott cho biết tại một số hạt nhất định, phần lớn số ca nhiễm nCoV dưới 30 tuổi, “thường là kết quả của việc đến những nơi như quán bar”.

Florida cũng là một trong những bang bắt đầu quá trình nới phong tỏa sớm, với lệnh ở nhà hết hạn ngay sau Texas, vào ngày 4/5. Dù những hạt đông dân nhất của bang, bao gồm Miami-Dade và Broward, duy trì phong tỏa đến ngày 18/5, Florida vẫn nằm trong số những nơi tái mở cửa quyết liệt nhất ở Mỹ.

Các bãi biển và khu giải trí bắt đầu nối lại hoạt động từ cuối tháng 5, đúng dịp lễ kỷ niệm Chiến sĩ Trận vong, một ngày nghỉ lễ liên bang. Sau khi bước sang tháng 5, các quán bar, nhà hàng, phòng gym và cửa hàng cũng tái mở cửa. Hệ quả là số ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày tại Florida lên tới hơn 8.500 vào cuối tuần qua. Trong hai tuần qua, số ca nhiễm tại bang này đã tăng gấp 5 lần, theo NY Times.

Số ca nhập viện cũng tăng theo, nhưng số người chết tới nay tăng không quá nghiêm trọng. Để giải thích tình hình dịch bệnh tại Florida, Thống đốc Ron DeSantis đưa ra lý do tương tự Nhà Trắng. Đó là xét nghiệm nhiều hơn và nhiều người trẻ bị nhiễm virus hơn.

“Ba thứ người dân cần tránh là không gian kín với hệ thống thông gió kém, những nơi đông người và tiếp xúc gần”, DeSantis nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi giới trẻ cẩn thận hơn, tránh những bữa tiệc tốt nghiệp và tuân thủ các quy tắc cách biệt cộng đồng.

Thống đốc Florida đã ngừng ban hành các biện pháp bắt buộc để kiềm chế Covid-19. Tuy nhiên, các thị trưởng ở phía nam của bang, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đang thảo luận những bước tiếp theo. Tại Miami, Fort Lauderdale và Palm Beach, các bãi biển sẽ đóng cửa vào ngày quốc khánh 4/7. Chính quyền hạt Miami-Dade còn không cho tụ tập quá 50 người và bắt buộc đeo khẩu trang.

Bang Arizona là “điểm nóng” Covid-19 tiếp theo ở Mỹ hiện nay và bị đánh giá là nơi ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại nhất. Hồi giữa tháng 6, một nhà dịch tễ học tại Đại học Harvard chỉ ra rằng số ca nhiễm và tỷ lệ dương tính nCoV ở Arizona cao hơn Brazil và Peru tại thời điểm đó.

Tương tự Texas và Florida, việc tái mở cửa quá sớm được cho là nguyên nhân dẫn đến tình hình nghiêm trọng ở Arizona. Thống đốc Doug Ducey gỡ yêu cầu ở nhà vào ngày 15/5, sau đó cho phép các nhà hàng, quán bar, sòng bạc, phòng gym, câu lạc bộ golf và bể bơi hoạt động trở lại. Chính quyền đưa ra khuyến cáo y tế, nhưng không bắt buộc đeo khẩu trang hoặc thực hiện cách biệt cộng đồng.

Tính đến ngày 30/6, số ca nhiễm nCoV tại Arizona đã tăng 85% trong vòng 14 ngày, theo dữ liệu của nhóm chuyên gia Chiến lược Thoát khỏi Covid. Riêng ngày 27/6, số ca nhiễm mới lên mức kỷ lục với hơn 3.500 trường hợp. Theo dữ liệu của chính quyền, phần lớn trong số gần 80.000 ca nhiễm tại Arizona ở độ tuổi 20-44, nhưng khoảng 1.200 người trong số 1.600 ca tử vong trên 65 tuổi.

Người Mỹ bản địa chỉ chiếm hơn 5% dân số bang, nhưng chiếm tới 18% ca tử vong. Nguyên nhân được cho là một số hộ gia đình người bản địa không có nước máy, khiến việc rửa tay thường xuyên trở nên khó khăn. Khả năng tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe của họ cũng hạn chế.

Bên cạnh số lượng ca nhiễm, tốc độ virus lây lan tại Arizona cũng khiến giới chuyên gia lo ngại. Thời tiết mùa hè nóng nực ở bang này được cho là khiến vấn đề nghiêm trọng hơn, bởi nhiều người lựa chọn hoạt động trong nhà. Nhiều cư dân Arizona còn không tuân thủ hướng dẫn y tế, chống lệnh phong tỏa, thậm chí tổ chức tuần hành phản đối khẩu trang.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại thành phố Tolleson, bang Arizona, Mỹ, hôm 18/6. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại thành phố Tolleson, bang Arizona, Mỹ, hôm 18/6. Ảnh: Reuters.

Các bệnh viện ở Arizona cảnh báo những phòng chăm sóc tích cực (ICU) có thể sớm bị quá tải, khi số giường bệnh vốn đã thiếu thốn, với 88% giường ICU và 84% giường bệnh nhân thông thường đã kín chỗ, theo tờ AZ Central. Lãnh đạo cơ quan y tế bang hôm 29/6 cho biết các bệnh viện có thể kích hoạt “tiêu chuẩn chăm sóc trong khủng hoảng”, cho phép họ ưu tiên nguồn lực cho bệnh nhân dựa trên những yếu tố như khả năng sống sót.

Sau loạt chỉ trích từ giới chức y tế và phe Dân chủ, Thống đốc Cộng hòa Ducey đã ra lệnh đóng cửa các quán bar, hộp đêm, phòng gym, rạp chiếu phim và công viên nước ít nhất 30 ngày, nhằm “giảm tải áp lực” cho hệ thống y tế.

Trong số 4 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt tái bùng phát Covid-19, California khá khác biệt. Đây là bang đầu tiên áp đặt lệnh ở nhà và được đánh giá chống dịch hiệu quả vào giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, hai tháng sau khi Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố đường cong Covid-19 trên biểu đồ “được cho là đã bị san phẳng, số ca nhiễm mới lại tăng mạnh, lên mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày hôm 30/6, với 8.086 ca. Số trường hợp nhập viện cũng tăng 43% trong hai tuần qua. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại hạt Los Angeles.

Giới chức California cho rằng một phần nguyên nhân là do các buổi tụ tập xã hội và họp gia đình tăng lên, đặc biệt trong nhóm cư dân 18-49 tuổi, đối tượng chiếm phần lớn số ca dương tính nCoV. Việc nới lỏng hạn chế với các hình thức kinh doanh trong nhà, như phòng gym và nhà hàng, cũng có thể là một lý do. Chính quyền lưu ý thêm rằng nhiều quán bar và nhà hàng không tuân thủ cách biệt cộng đồng, hoặc yêu cầu đeo khẩu trang.

Hôm 28/6, 7 hạt ở California, bao gồm Los Angeles, yêu cầu đóng cửa các quán bar. Nhiều địa phương, như thành phố San Francisco, đã đảo ngược kế hoạch tái mở cửa. Các cụm dịch mới xuất hiện trong nhà tù, viện dưỡng lão, từ nông thôn đến thành thị.

Cũng như nhiều địa điểm khác trên khắp đất nước, các thành phố lớn của California là nơi diễn ra phong trào biểu tình rầm rộ nhằm chống phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát, sau khi George Floyd, người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bị cảnh sát ghì chết. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu cho thấy biểu tình ảnh hưởng đến sự lây lan của virus như thế nào.

Ánh Ngọc (Theo BBC) – Vnexpress