Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, theo khảo sát mini của doanh nghiệp với những người từ độ tuổi 30 trở lên và thu nhập xếp trên tầng lớp trung lưu, cứ càng có thâm niên và ổn định tài chính lại càng chạy đua tậu nhiều nhà đất. Người Việt xem bất động sản là một thước đo thành tựu cả đời bên cạnh mục tiêu tích lũy tài sản, chờ cơ hội sinh lời khủng trong tương lai.
“30 tuổi, người Việt bắt đầu dốc sức mua căn nhà đầu tiên. Khi có nguồn lực tài chính dồi dào, 35 tuổi trở lên họ lại sở hữu thêm, thường là nắm trong tay 2 bất động sản. Ở ngưỡng 40, người giàu mới nổi thích sở hữu 3 bất động sản trở lên. Sang 50 tuổi khi dòng tiền nhàn rỗi lớn, gu sở hữu 4-5 loại bất động sản khác nhau khá phổ biến”, ông Quang cho biết.
Chuyên gia này đánh giá, ở các độ tuổi khác nhau, loại tài sản người Việt nắm giữ cũng không giống nhau. Mức độ đa dạng của danh sách tài sản này tỷ lệ thuận với thâm niên và độ lớn của dòng tiền, thậm chí là các khoản nợ vay để tranh thủ thời gian nắm giữ tài sản càng sớm càng tốt. Ví dụ: 30 tuổi mua nhà để ở, phục vụ an cư là chính. Thế nhưng những người ở tuổi 40 thường nhắm đến bất động sản khai thác được dòng tiền như mua nhà cho thuê hoặc mua loại nhà có chức năng thương mại. 50 tuổi thích nắm trong tay quỹ đất, thậm chí là sở hữu bất động sản đa chức năng hơn người trẻ tuổi.
“Khảo sát về số lượng tài sản bất động sản người Việt nắm giữ theo độ tuổi tuy chưa mở rộng ở quy mô lớn nhưng cho thấy tư tưởng tích trữ bất động sản ngày càng mạnh và có xu hướng trẻ hóa dần”, ông Quang cho hay.
Quan sát thị trường bất động sản qua nhiều chu kỳ từ hoàng kim đến khủng hoảng, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs nhận xét, việc đa số người Việt sớm ý thức mua nhà, chạy đua tậu nhiều đất đai, điền trạch một phần do tác động của văn hóa. Xuất phát từ tập quán, truyền thống của người Việt cho rằng “sống cái nhà, chết cái mồ” nên ai cũng đặt mục tiêu phải có đất có nhà mới yên tâm.
Sau độ tuổi lập gia đình (30 tuổi), một vài thập niên tiếp sau đó là lúc họ trở thành cha mẹ lại tiếp tục suy nghĩ phải lo tranh thủ chuẩn bị tích lũy nhà đất cho con, cháu. Điều này lý giải vì sao càng nhiều tuổi, chỉ cần có điều kiện tài chính tốt, người Việt càng tranh thủ sở hữu nhiều loại hình bất động sản.
Không những thế, bà Tú cho rằng độ tuổi 30 bắt đầu dốc sức mua nhà có thể chưa phản ánh hết cục diện toàn thị trường. Bởi lẽ, hiện nay nhiều người trẻ hơn, vào khoảng 27-28 tuổi không chờ đợi có đủ tiền mới mua nhà, họ tận dụng các khoản vay để tậu nhà sớm hơn. “Cuộc đua sở hữu nhà đất của người Việt càng trở nên kịch tính khi trong nửa thập niên qua giá bất động sản liên tục tăng cao, không ai đầu tư bất động sản lâu dài mà bị lỗ”, bà Tú nói.
Quan sát hành vi tiêu dùng bất động sản dưới lăng kính nhân khẩu học, ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty Tín Thành cho rằng, người Việt đặt nặng sở hữu tài sản khi họ bắt đầu lập gia đình. Ở các đô thị lớn, đặc biệt là TP HCM, độ tuổi kết hôn phổ biến là ngưỡng 25-30. Sau khi kết hôn, thu nhập chuyển từ hình thức cá nhân đơn lẻ sang hộ gia đình. Do đó, khả năng tiết kiệm, tích lũy tài chính tốt hơn và nhu cầu sở hữu nhà cũng bị thôi thúc mạnh mẽ từ giai đoạn này.
Ông Duyệt phân tích thêm, những người vượt qua thử thách sở hữu căn nhà đầu tiên ở năm 30 tuổi sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội chuẩn bị dòng vốn dồi dào từ độ tuổi 35 trở đi. Đây là cơ sở để người ở ngưỡng 35 tuổi bắt đầu chuyển từ mục tiêu mua nhà để ở sang mua bất động sản đầu tư. “Hiện tượng người Việt thành đạt từ độ tuổi 35-50 trở đi sở hữu nhiều bất động sản là hệ quả của tâm lý đầu tư, thậm chí đầu cơ tài sản để tối ưu hóa lợi nhuận và việc này đang bùng nổ mạnh mẽ”, ông Duyệt đánh giá.
Nhiều chuyên gia cho rằng do kẽ hở của pháp luật khá lớn, hiện nay chưa có lộ trình đánh thuế tài sản lũy tiến nên cuộc đua sở hữu bất động sản của người Việt vẫn tiếp diễn trong bối cảnh giá nhà đất ngày càng bị đẩy lên cao. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi các nhà điều hành chính sách đặt lên bàn cân việc đánh thuế tài sản trong thời gian tới.
Trung Tín – Vnexpress