Người Sài Gòn sẽ bị phạt nếu không đeo khẩu trang

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND có chỉ thị buộc người dân đeo khẩu trang khi ra đường, từ ngày mai 27/3.

Họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 chiều 26/3, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố sẽ quyết liệt không để người nước ngoài đem nguy cơ lây nhiễm vào thành phố, người Việt Nam từ nước ngoài về buộc phải cách ly.

UBND TP HCM được yêu cầu thực hiện tốt hai giải pháp để ngăn dịch lây lan là hạn chế người dân đi lại và phải đeo khẩu trang. Sở Y tế phải công khai nhãn hiệu khẩu trang chất lượng, chính quyền địa phương công bố nơi bán để người dân mua.

Theo ông Nhân, việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn là biện pháp phòng dịch bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. “Covid-19 còn nguy hiểm hơn giặc bởi chúng không có suy nghĩ, lây lan theo quy luật. Ở châu Âu và Mỹ, người nào đeo khẩu trang bị dị nghị nhưng chúng ta không có văn hoá đó. Đây là điều thuận lợi để phòng dịch”, ông Nhân nói.

Nhân viên y tế tiến hành đo thân nhiệt cho hành khách trước khi rời ga Sài Gòn để phòng dịch nCoV. Ảnh: Quỳnh Trần.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt hành khách tại ga Sài Gòn để phòng dịch nCoV. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bí thư Thành uỷ TP HCM dẫn lại các bài học tại Italy, Tây Ban Nha, Anh, Ấn Độ ngăn chặn dịch muộn nên lãnh hậu quả nặng nề. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc nhờ những phản ứng kịp thời đã có những thành công chống dịch. Các kinh nghiệm rút ra từ hai nước kiểm soát dịch tốt là: ngăn người nước ngoài, xét nghiệm nhanh nCoV nếu người dân có yêu cầu, đóng cửa những nơi có hoạt động đông người, người nghi nhiễm phải tự cách ly 14 ngày, nâng cao hệ thống y tế để thích ứng với dịch…

Một lần nữa ông Nhân đề cập những tuần tới là thời gian quan trọng để thắng dịch. Việt Nam giữ được con số dưới 500 ca nhiễm là tốt nhất. Bởi thống kê ở 10 nước cho thấy, con số từ một người nhiễm nCoV lên tới 100 người là một tháng, nhưng sau đó tăng lên 1.000 người chỉ mất 10 ngày.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Ông yêu cầu 24 quận huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng: không để tụ tập trên 20 người; xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng; đóng cửa toàn bộ cơ sở dịch vụ trừ cửa hàng, siêu thị thực phẩm, cơ sở chữa bệnh.

“Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không áp dụng hạn chế đi lại tiếp xúc, từ một người nhiễm nCoV, sau 5 ngày sẽ lây bệnh cho 2,5 người khác và sau 30 ngày sẽ có 406 người nhiễm bệnh”, ông Phong lưu ý.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thống kê, đến chiều nay, thế giới ghi nhận hơn 473.000 ca nhiễm nCoV; hơn 21.300 ca tử vong. Tại Italy, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất với 74.000 ca nhiễm và hơn 7.500 ca tử vong, hơn gấp đôi số người tử vong của Trung Quốc.

Số người nhiễm nCoV ở Mỹ cũng hơn 68.000 với hơn 1.000 ca tử vong, Tây Ban Nha hơn 50.000 ca nhiễm, số tử vong là hơn 3.600… Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn giữ số ca nhiễm như cách đây 2-3 ngày.

Hiện, TP HCM chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm chéo ở những khu cách ly, song có 3 trường hợp nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng là: hơn 100 người dự tiệc tại Buddha Bar & Grill (ngày 14/3); nhiều người dự đám tang tại Bình Chánh có người nhiễm nCoV (ngày 23/3); “bệnh nhân 150” – doanh nhân từ Mỹ về, ở phường Tân Định (quận 1) tổ chức tiệc nhiều người tham dự, vừa được Bộ Y tế công bố nhiễm nCoV trong chiều nay.

Tính đến tối nay, Việt Nam ghi nhận 153 ca nhiễm nCoV, riêng TP HCM có 43 ca (3 đã bình phục). Ngoài ra, thành phố có 8.852 người đang cách ly tập trung; 1.227 người cách ly tại nhà.

Mạnh Tùng – Hữu Công – Vnexpress