Thẩm phán Ruth Bader Ginburg sinh ngày 15/3/1933 tại Flatbush, khu phố lao động nghèo ở hạt Brooklyn, thành phố New York. Bà là con gái thứ hai của vợ chồng Nathan và Celia Bader, người từng dạy bà về giá trị của độc lập và nền giáo dục tốt.
Bà Celia không học đại học mà thay vào đó làm công nhân tại một xưởng may để nhường cơ hội học hành cho em trai, hành động hy sinh mà bà Ginsburg luôn ấn tượng về mẹ của mình.
Chị gái của Ginsburg đã qua đời lúc 6 tuổi vì bệnh viêm màng não khi Ruth Bader mới 14 tháng tuổi. Gia đình bà có hai cửa hàng nhỏ, bán mũ và lông thú, nhưng cuộc sống chưa bao giờ dư dả.
Mẹ của Ginsburg phải chống chọi với căn bệnh ung thư trong suốt những năm bà học trung học và qua đời ở tuổi 47 ngay trước ngày bà tốt nghiệp năm 1950.
Bà Ginsburg luôn có thành tích học tập xuất sắc. Năm 1954, bà là thủ khoa của lớp khi tốt nghiệp ngành quản lý nhà nước tại Đại học Cornell. Cùng năm đó, Ginsburg kết hôn cùng Martin D. Ginsburg, người bà gặp từ năm nhất đại học khi ông đang là sinh viên luật.
Những năm đầu hôn nhân của họ rất khó khăn. Ruth Bader sinh con đầu lòng Jane năm 1954, thời điểm Martin có lệnh nhập ngũ. Ông đã phục vụ quân ngũ hai năm trước khi xuất ngũ và cùng gia đình trở về Harvard. Bà Ruth Bader cũng đăng ký học tiếp chuyên ngành luật tại đại học danh tiếng này.
Thời gian theo học ở Harvard cũng đầy thách thức với Ruth Bader khi bà vừa học vừa làm mẹ. Bà là một trong 8 sinh viên nữ duy nhất của lớp hơn 500 sinh viên và từng bị hiệu trưởng trường chỉ trích vì đã “cướp” xuất học của các sinh viên nam đủ tiêu chuẩn khác. Bất chấp khó khăn, bà Ginsburg đã xuất sắc trở thành thành viên nữ duy nhất của tạp chí luật danh tiếng Harvard Law Review.
Khó khăn mới tiếp tục thử thách vợ chồng bà Ginsburg. Năm 1956, Martin được chẩn đoán ung thư tinh hoàn nên cần quá trình điều trị và phục hồi chức năng. Ginsburg vừa phải chăm con gái nhỏ, vừa phải chăm sóc chồng trong khi tiếp tục chương trình học ở Harvard.
Sau khi bình phục, Martin tốt nghiệp trường luật và được nhận vào một công ty luật ở New York. Để cùng chồng tới thành phố New York, bà Ginsburg đã chấp nhận chuyển tới học ở Trường Luật Columbia. Bà một lần nữa là thủ khoa tốt nghiệp năm 1959.
Dù có thành tích học tập vượt trội, Ginsburg vẫn gặp khó khăn khi tìm việc vì phân biệt giới tính. Sau khi làm thư ký cho thẩm phán cấp hạt Edmund L. Palmieri từ năm 1959-1961, Ginsburg chuyển sang làm giảng viên Trường Luật của Đại học Rutgers trong giai đoạn 1963-72 và tại Trường Luật Columbia trong khoảng 1972-80, nơi bà trở thành nữ giáo sư đầu tiên của trường.
Trong suốt những năm 1970, bà Ginsburg đồng thời làm giám đốc của Dự án Quyền của Phụ nữ thuộc Liên minh Tự do Dân sự Mỹ. Tại đây, bà đã tranh luận 6 vụ kiện quan trọng về bình đẳng giới trước Tòa án Tối cao Mỹ.
Ginsburg luôn tin rằng pháp luật không có phân biệt về giới tính và tất cả đều được hưởng quyền bình đẳng. Một trong 5 vụ kiện bà từng thắng trước Tòa án Tối cao Mỹ liên quan tới một phần của Đạo luật An sinh Xã hội, trong đó ưu tiên phụ nữ hơn nam giới bởi nó đảm bảo quyền lợi cho người góa chồng chứ không phải người góa vợ.
Năm 1980, cựu tổng thống thứ 39 của Mỹ Jimmy Carter bổ nhiệm bà Ginsburg vào Tòa án Phúc thẩm Mỹ ở hạt Columbia. Bà làm việc tại đây cho tới khi được tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ năm 1993, thay thế vị trí của thẩm phán về hưu Byron White. Tổng thống Clinton khi đó muốn chọn một người có trí tuệ và khả năng chính trị để đối phó với các thành viên bảo thủ trong cơ quan này.
Là một thẩm phán, Ginsburg luôn làm việc đầy cẩn trọng và tiết chế. Bà được xem là một phần của khối tự do ôn hòa của Tòa án Tối cao, có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ bình đẳng giới và quyền của người lao động. Năm 1996, bà ra phán quyết bước ngoặt khi yêu cầu Viện Quân sự Virginia không được từ chối tiếp nhận phụ nữ. Năm 1999, bà nhận Giải thưởng Thurgood Marshall danh giá cho những đóng góp về bình đẳng giới và dân quyền.
“Tác động của bà ấy đối luật pháp Mỹ và cả nước Mỹ là rất phi thường”, thẩm phán Elena Kagan nói tại một sự kiện của Hiệp hội Luật sư New York năm 2014. “Bà ấy đã diện mạo của luật chống phân biệt của Mỹ. Ginsburg được ghi nhận khi đã khiến luật pháp Mỹ trở nên công bằng hơn với phụ nữ và bằng cách đó bà ấy giúp tôi đạt được sự nghiệp của mình”.
Chồng của Ginsburg qua đời vì ung thư hồi tháng 6/2010, sau 56 năm kết hôn. Họ đã có với nhau hai người con, gồm Jane, giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại Trường Luật Columbia, và James, nhà sản xuất thu âm nhạc cổ điển ở Chicago. Bà mô tả Martin là động lực lớn nhất của bà và là “người đàn ông duy nhất tôi hẹn hò quan tâm tới trí tuệ của tôi”.
Ginburd và Martin là sự kết hợp đặc biệt khi bà là người ít nói, nghiêm túc và đôi khi hay xấu hổ, còn ông là người quảng giao, hài hước và thích kể chuyện cười. Khi nói về mối quan hệ hạnh phúc của họ, Martin từng nói “Vợ tôi chưa từng cho tôi bất kỳ lời khuyên nào về việc nấu nướng và tôi cũng chưa từng khuyên bà ấy bất cứ điều gì về luật”.
Trong những ngày cuối cuộc đời, Martin đã để lại cho vợ một mảnh giấy viết tay lời ông muốn nói, giấu trong tập giấy bên cạnh giường. “Ruth yêu quý nhất của anh. Em là người duy nhất anh yêu trong suốt cuộc đời… Anh đã ngưỡng mộ và yêu em ngay từ ngày chúng ta lần đầu gặp nhau ở Cornell. Thật tuyệt vời khi có thể chứng kiến em từng bước tiến lên vị trí cao nhất của thế giới pháp lý”, trích nội dung thư của Martin.
Thẩm phán Ginsburg đã để lại nhiều dấu mốc đáng chú ý trong suốt sự nghiệp của mình. Ngày 25/6/2015, bà là một trong 6 thẩm phán bảo vệ phần quan trọng của Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền ban hành năm 2010, thường được gọi là Obamacare. Quyết định này cho phép chính quyền liên bang tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho người Mỹ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bất kể nó được điều hành bởi liên bang hay bang. Đây được xem là chiến thắng lớn đối với tổng thống Barack Obama và khiến đạo luật này khó bị hủy bỏ.
Một ngày sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ tiếp tục ra phán quyết lịch sử thứ hai, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn 50 bang. Ginsburg được xem là người có vai trò quan trọng trong việc đưa ra phán quyết này.
Ginsburg cũng từng gây chú ý khi lên tiếng gọi Doanld Trump là “kẻ giả dối” trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2016, trước khi lên tiếng xin lỗi vì đã công khai bình luận về chiến dịch tranh cử này. Tháng 1/2018, sau khi Trump công bố danh sách ứng viên dự bị thay thế cho các thẩm phấn sắp nghỉ hưu ở Tòa án Tối cao, Ginsburg, khi đó 84 tuổi, ngầm tuyên bố sẽ không đi đâu bằng cách thuê tất cả ban thư ký cho tới năm 2020.
Tranh luận về việc Ginsburg tiếp tục giữ vai trò thẩm phán lại nổi lên vào cuối năm đó khi thẩm phán Anthony M. Kennedy thông báo từ chức vào cuối tháng 7/2018. Khi đó, Ginsburg tiết lộ bà hy vọng sẽ ở lại vị trí này thêm ít nhất 5 năm nữa.
Tuy nhiên, sức khỏe của bà luôn là vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Ginsburg từng phải trải qua nhiều lần phẫu thuật liên quan tới căn bệnh ung thư ruột kết, ung thư tuyến tụy và ung thư phổi. Tháng 11/2018, bà phải nhập viện vì gãy xương sườn sau khi bị ngã ở văn phòng.
Hồi tháng 5 năm nay, một ngày trước khi Tòa án Tối cao nghe tranh luận trực tuyến vì Covid-19, truyền thông đưa tin bà phải nhập viện để điều trị nhiễm trùng túi mật. Tới tháng 7, Ginsburg tiết lộ bà phải tiến hành hóa trị vì “ung thư tái phát” ở gan, nhưng kết quả rất lạc quan.
Thẩm phán Ruth Bader đã qua đời ngày 18/9 tại nhà riêng ở thủ đô Washington, do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn.
“Quốc gia của chúng ta đã mất đi một luật gia có tầm vóc lịch sử. Chúng tôi đã mất đi một đồng nghiệp đáng tin cậy”, Chánh án John Roberts nói trong tuyên bố từ thủ đô Washington ngày 18/9. “Hôm nay chúng tôi tiếc thương bà, nhưng tin rằng các thế hệ tương lai sẽ luôn nhớ về Ruth Bader Ginsburg như những gì chúng tôi biết về bà, một người đấu tranh không mệt mỏi và kiên cường cho công lý”.