Trong căn bếp nhìn thẳng ra núi Rainier và eo biển Puget Sound ở thành phố Bainbridge Island, bang Washington, 16 thành viên trong gia đình bà Corinne Nakagawa Gooden quây quần chuẩn bị tiệc đón năm mới.
Hai con gái ngoài 40 tuổi của bà Gooden cùng nhau chuẩn bị món inarizushi (cơm cuộn đậu phụ): Amy mang cơm vừa nấu xong cho Sydne để rưới thêm một chút giấm ngọt. Cháu bà Gooden giúp làm nguội cơm bằng chiếc quạt giấy đã cũ của bà. Sau đó, mọi người tập trung nhồi cơm vào túi đậu phụ chiên với đường và xì dầu. Đây là việc họ thường làm trong ngày 31/12 mỗi năm để chuẩn bị cho dịp lễ Oshogatsu, tết của người Nhật.
Oshogatsu kéo dài trong ba ngày đầu tiên của năm mới. Các gia đình Nhật Bản dành thời gian này bên nhau, cùng thưởng thức ăn bữa ăn truyền thống được gọi là osechi ryori. Các món osechi, thường đặt trong tráp sơn lớn, được chế biến với xì dầu, đường và giấm ngọt để bảo quản trong ba ngày tết. Tráp osechi của vùng Kanto, Kansai hay Hokuriku thường có đậu ngào đường, rau muối, cá muối hoặc hấp, các món ăn tượng trưng cho may mắn và tài lộc trong năm mới.
Hiện nay, phụ nữ Nhật Bản thường hiếm khi tự chuẩn bị mâm cỗ osechi khá cầu kỳ này do bận rộn với công việc.Thay vào đó, họ thường mua sẵn ở siêu thị hoặc cửa hàng bách hóa. Trong khi đó, nhiều người trẻ ở Nhật Bản thích đi du lịch hơn ở nhà với gia đình trong dịp tết.
Nhưng gia đình bà Gooden luôn giữ thói quen chuẩn bị các món osechi suốt nhiều năm qua, kể từ khi tổ tiên họ rời Hiroshima, Nhật Bản, tới định cư ở Seattle, Mỹ, vào đầu thế kỷ 20.
Khi ông nội bà, Shunroku Sasaki, đến Seattle năm 1908, khu phố người Nhật ở thành phố này sôi động với nhiều doanh nghiệp phục vụ các nam thanh niên tới Mỹ sau khi Nhật mở cửa biên giới năm 1868. Họ thường làm việc trong các xưởng gỗ hoặc đánh bắt cá ở Bờ Tây nước Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều tiền.
Giống nhiều nam thanh niên khi ấy, ông Sasaki dự định trở về Nhật Bản sau khi đủ vốn liếng và sử dụng thành thạo tiếng Anh, ngôn ngữ của thương mại và khoa học. Nhưng sau khi thoát chết trong một tai nạn ở xưởng, ông được một người bạn thân thuyết phục ở lại mở tiệm may đồ cho giới doanh nhân.
Ông Sasaki chỉ trở về Nhật Bản trong thời gian ngắn để tìm vợ và có cuộc hôn nhân sắp đặt cùng bà Hisaye Katayama, con gái một gia đình giàu có ở Hiroshima. Chuyển tới Seattle, bà Sasaki làm quản lý cho một khách sạn nhỏ.
Bà Hisaye Sasaki từng không biết làm việc nhà và nấu osechi bởi sống trong nhung lụa từ nhỏ. Khi tới Mỹ, bà được một người bạn dạy nấu các món ăn truyền thống của Nhật Bản. Ở khu phố người Nhật, bà dễ dàng tìm thấy các nguyên liệu và gia vị quen thuộc để nấu osechi và thường để các con gái cùng vào bếp nấu ăn.
Bố mẹ bà Gooden, bà Yemi Mary Catherine Sasaki và ông Noboru Nakagawa, kết hôn sau khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ban hàng sắc lệnh 9066 vào tháng 2/1942. Sắc lệnh đưa ra hai tháng sau khi đế quốc Nhật tập kích Trân Châu Cảng, khiến chính quyền Mỹ quyết định đưa người gốc Nhật ở nước này đến các trại tập trung do lo ngại họ có hành động thù địch.
“Khi đó, mẹ tôi đang mang thai chị gái tôi 6 tháng và họ không biết bị đưa đi đâu”, bà Gooden nói. Họ được đưa tới một trại tập trung mà chính phủ Mỹ gọi là trại Harmony, cách phía nam thành phố Seattle khoảng 56 km, và ở đó 6 tháng. Trong thời gian này, vợ chồng bà Yemi sinh con gái đầu lòng, Sherry, chị gái bà Gooden. Cuối năm đó, đôi vợ chồng trẻ bị chuyển tới trại Minidoka ở Idaho và ở đó trong ba năm.
Ông Nakagawa phải bỏ lại cửa hàng tạp hóa ở Seattle cho một người bạn trông nom cùng chú chó tên King. Ông Nakagawa đã bật khóc khi biết tin King chết, và đó là lần duy nhất gia đình nhìn thấy ông rơi nước mắt.
Họ đón tết năm đó với xúc xích, bánh kếp và mì ống trong một hội trường bẩn thỉu. Họ thậm chí không có bếp riêng để chuẩn bị các món ăn đơn giản như soup miso và cơm.
Vợ chồng Nakagawa cùng con gái, Sherry, được rời khỏi Minidoka năm 1945 và trở về Seattle sau đó. Người Mỹ gốc Nhật khi đó thường bị lấy mất nhà cửa, trang trại, cửa hiệu và nhà hàng. Họ bị phân biệt đối xử, bị quấy rối và đối xử bạo lực khi tìm nhà và việc làm. Một năm sau khi gia đình Nakagawa rời khỏi Minidoka, bà Gooden chào đời.
Trong căn nhà ở Bainbridge Island, nơi bà Gooden sống cùng người chồng Bill LeMire, bà vẫn giữ mấy món đồ của bà ngoại như ấm đun nước bằng sắt, muôi múc bằng tre và tráp gỗ dùng trong tiệc trà. Các bức tranh thêu bằng lụa của mẹ cũng được bà treo cẩn thận trên tường.
Bà Gooden và chị gái Sherry, những người đời thứ ba của gia đình Sasaki ở Mỹ, không được dạy về nghệ thuật Nhật Bản cũng như tiếng Nhật. Bà Gooden chưa từng trở về Nhật Bản cho tới năm bà 70 tuổi. Gia đình này cho rằng họ không được chào đón ở đó vì giờ họ quá giống người Mỹ và không biết nói ngôn ngữ của quê hương.
Nhưng hai con gái của bà Gooden, Amy và Sydne, luôn tò mò về nguồn gốc của mình. Cả hai đều chọn học tiếng Nhật. Amy từng tới Nhật Bản khi cô phục vụ trong hải quân. Khi Sydne làm trong nhà hàng BondST ở Manhattan, cô cũng từng có cơ hội về Nhật Bản học làm sushi.
Oshogatsu là ngày lễ duy nhất của Nhật Bản mà gia đình Sasaki quây quần bên nhau. Ngoài các món osechi điển hình, họ chuẩn bị thêm các món ăn truyền thống khác như sekihan (xôi đậu đỏ), maki-zushi (sushi cuốn với rau và trứng) và saba-zushi (cá saba ngâm giấm).
Sau khi bà ngoại của bà Gooden qua đời và mẹ mắc chứng mất trí nhớ, gia đình Sasaki đã không chuẩn bị bữa ăn osechi trong vài năm của thập niên 1990. Ron Sasaki, anh họ của bà Gooden, là người khởi xướng ý tưởng khôi phục bữa ăn cổ truyền này.
“Anh đùa à? Anh có biết những món này làm như thế nào không?”, bà nói với Ron Sasaki khi ông cho rằng việc này không khó.
Ở Nhật Bản, phụ nữ là người chịu trách nhiệm chuẩn bị osechi, nhưng ở gia đình Sasaki, mỗi người phụ trách một vài món. Buổi tối cuối cùng của năm, họ quây quần bên nhau và cùng nấu ăn. Họ tổ chức tiệc với người thân và bạn bè vào ngày 1/1.
Ron Sasaki phụ trách món cá hồng hoặc cá tuyết đá nướng, cá chiên nanbanzuke và cá trích ngâm giấm. Cha ông là ngư dân nên thường đóng góp cá hồi cho bữa tiệc đặc trưng của quê hương. Một người em họ khác nấu gà teriyaki kiểu Seattle với gừng và tỏi. Chị gái bà Gooden sống ở Hawaii nên thường làm món cơm cuộn rong biển và bánh mochi bơ đậu phộng theo kiểu của khu vực này.
Năm nay là lần đầu tiên thế hệ thứ tư của gia đình bà Gooden cùng tham gia chuẩn bị osechi, với các món như trứng cuộn nướng tamagoyaki, maki-zushi và sashimi (gỏi hải sản).
Họ luôn bắt đầu bữa tiệc với súp bánh dày ozoni, trong đó có bánh cá Naruto đỏ và trắng tượng trưng cho mặt trời, biểu tượng của Nhật Bản.
Oshogatsu là dịp gia đình Sasaki quây quần vui vẻ bên nhau, nhưng thế hệ thứ ba và thứ tư của gia đình có thể cởi mở nói về những điều mà ông bà và bố mẹ của họ đã bị lấy mất ở Mỹ, đất nước họ yêu mến và gọi là quê hương. “Đừng để những gì đã qua xảy ra lần nữa”, bà Gooden nói.
Thanh Tâm (Theo New York Times) – Vnexpress