Người mắc nCoV tràn vào bệnh viện Mỹ như lũ

Tuần trước, bác sĩ Spencer chỉ thấy 1-2 ca nghi mắc Covid-19 trong số hàng chục người nhập viện. Giờ đây, gần như tất cả người bệnh ông chăm sóc trong ca trực đều đã nhiễm virus.

“Trong ca làm việc của tôi hôm qua, gần như mọi bệnh nhân chúng tôi chăm sóc đều nhiễm virus. Nhiều người trong số họ phải dùng đến máy thở và rơi vào tình trạng nguy kịch”, ông Craig Spencer, người điều hành cơ quan y tế khẩn cấp tại Trung tâm y tế Đại học Columbia ở thành phố New York, nói. “Không khí tuần này và tuần trước rất khác biệt”.

“Chúng tôi có bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus và từ đó cánh cửa địa ngục bắt đầu mở ra”, một bác sĩ ở thành phố New York thở dài. Bác sĩ giấu tên trên cho biết bệnh viện chưa sẵn sàng để đón “cơn lũ” bệnh nhân Covid-19 tràn vào từ hai tuần trước. “Cơn lũ” này đã làm cạn kiệt nguồn lực của bệnh viện, dẫn đến số bệnh nhân bệnh nặng nhiều hơn số máy thở.

“Chúng tôi không có máy móc, không có giường. Chúng tôi ở thành phố New York hiện đại nhưng điều này lại đang xảy ra. Đây giống như chuyện ở quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Không thể tin nổi”, nhân viên y tế trên cho hay. 

Một bệnh nhân Covid-19 được đưa đến xe cứu thương đưa đi tại quận Manhattan của thành phố New York, Mỹ hôm 26/3. Ảnh: Reuters. 
Một bệnh nhân Covid-19 được đưa đến xe cứu thương tại quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ hôm 26/3. Ảnh: Reuters. 

Ban đầu, bệnh nhân nhập viện thuộc nhóm 70 tuổi nhiều hơn, nhưng trong tuần qua đã có nhiều bệnh nhân dưới 50 tuổi. “Tôi không nghĩ họ hiểu mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này. Hai tuần trước, cuộc sống hoàn toàn khác bây giờ”, vị bác sĩ nói thêm.

Các chuyên gia y tế công cộng, bao gồm bác sĩ phẫu thuật danh tiếng Jerome Adams, đã cảnh báo Mỹ có thể “trở thành Italy thứ hai”, nơi bác sĩ buộc phải lựa chọn bệnh nhân để cứu sống. Và Mỹ đã chứng kiến sự khởi đầu của thảm kịch tương tự. 

“Những gì chúng ta đang chứng kiến trong các phòng cấp cứu rất thảm khốc”, bác sĩ Spencer tiết lộ.

Các quan chức ở bang New York đang thúc đẩy bệnh viện trên toàn bang tăng công suất. Hiện số người mắc Covid-19 ở bang này chiếm hơn 6% các ca nhiễm trên thế giới và khoảng một nửa số ca tại Mỹ.

Tại New York, các bệnh viện dã chiến đang được xây dựng, nhưng trung tâm Javits với công suất 1.000 giường. Theo Thống đốc New York Andrew Cuomo, hôm 25/3, hàng nghìn bác sĩ và y tá nghỉ hưu hoặc thôi việc đã đăng ký làm lực lượng dự phòng. 

Bang cũng đang nỗ lực mua thêm máy thở. Theo ông Cuomo, New York đã mua 7.000 máy thở cùng 4.000 máy đang sở hữu. Nhà Trắng hôm 24/3 cho biết bang này sẽ nhận được hai lô hàng 2.000 máy trong tuần từ kho dự trữ quốc gia. Tuy nhiên ông Cuomo cho rằng con số đó chỉ như muối bỏ bể bởi bang cần đến 30.000 máy.

Kho dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ hiện đã chuẩn bị được 16.660 máy thở để hỗ trợ cho các bệnh viện trên cả nước trong vài ngày tới. 

Người đến xét nghiệm chờ đợi bên ngoài Bệnh viện Elmhurst. Ảnh: NYT.
Người đến xét nghiệm chờ đợi bên ngoài Bệnh viện Elmhurst. Ảnh: NYT.

“Một đại dịch như thế này có thể áp đảo bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới”, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cảnh báo. “Khi không đủ máy thở, bạn sẽ phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn”.

Ông Cuomo cũng mô tả các biện pháp cực đoan mà bệnh viện đang lên kế hoạch thực hiện nếu như tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

“Chúng tôi dùng một máy thở cho hai bệnh nhân. Điều này rất khó để thực hiện, chúng tôi đang thử làm vậy. Lúc này, chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, ông Cuomo nói hôm 24/3.

Tình trạng trên không chỉ ở New York. Làn sóng bệnh nhân Covid-19 cũng đang tràn vào các bệnh viện khác trên khắp nước Mỹ và tình trạng thiếu khẩu trang và quần áo bảo hộ khiến nhân viên y tế gặp nguy hiểm, dễ bị lây nhiễm. 

Một y tá ở phòng cấp cứu bang Virginia cho biết bệnh viện nơi cô đang làm việc “đặc biệt hỗn loạn”. Tại khoa cấp cứu, những bệnh nhân có khả năng nhiễm Covid-19 ngồi gần bệnh nhân mắc các bệnh khác.

“Một cặp vợ chồng già bị đau ngực ngồi ngay cạnh người bị ho và cúm trong phòng cấp cứu. Điều này là vô cùng liều lĩnh”, cô nói. 

Nữ y tá đã không dám ôm con gái kể từ khi dịch bệnh bùng phát vì sợ có thể là nguồn lây nhiễm cho con.

Một y tá khác ở Georgia thậm chí nhiều lần bị từ chối xét nghiệm, ngay cả khi các triệu chứng của cô trở nên tồi tệ hơn trong suốt một tuần. Cô chăm sóc một số bệnh nhân chết vì viêm phổi. Những bệnh nhân này không được xét nghiệm Covid-19. Cuối cùng cô được xét nghiệm hôm 24/3 và bị đưa vào cách ly.

“Mãi đến sáng nay tôi mới được xét nghiệm. Thật điên rồ và thật đáng giận. Tôi phải hét lên thì họ mới chú ý”, cô nói và thở hổn hển.

Đội xe cấp cứu thành phố New York hú còi liên tục. Ảnh: NYT. 
Đội xe cấp cứu thành phố New York hú còi liên tục. Ảnh: NYT. 

Judy Sheridan-Gonzalez, y tá phòng cấp cứu tại Trung tâm y tế Montefiore và Chủ tịch Hiệp hội Y tá bang New York, nói rằng “mọi người đều sợ hãi” bị nhiễm bệnh do không có đồ bảo hộ và phải tái sử dụng khẩu trang bẩn. 

Sheridan-Gonzalez lo ngại bệnh viện sẽ không đủ máy thở hoặc nhân viên để chăm sóc bệnh nhân, nhưng tình hình bây giờ vẫn chưa đến mức đó. Tuy nhiên, thiếu đồ bảo hộ là vấn đề nan giải hàng đầu. 

“Chúng tôi có nghĩa vụ phải chăm sóc bệnh nhân của mình. Nhưng đồng thời chúng tôi không muốn bị bệnh và cũng không muốn trở thành người mang mầm bệnh”, y tá Sheridan-Gonzalez chia sẻ. “Trong bệnh viện tôi, một y tá nhiễm virus đang phải thở máy. Tôi không nghĩ đó là trường hợp duy nhất”.

Theo Tiến sĩ Peter Hotez, giáo sư và trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, nhận định nếu nhân viên y tế trở thành nạn nhân của virus thì “trò chơi kết thúc. Mọi thứ sẽ chấm dứt”. 

“Nếu nhiều nhân viên y tế tuyến đầu như các bác sĩ cấp cứu và y tá nhiễm bệnh, các đồng nghiệp phải chăm sóc nhau trong phòng chăm sóc đặc biệt thì ai sẽ lo cho bệnh nhân. Không có gì tồi tệ hơn nếu rơi vào tình trạng đó”, ông nói thêm.

Năng lực của hệ thống y tế Mỹ hiện dựa vào nỗ lực làm giảm số ca nhiễm mới qua các biện pháp như cách ly xã hội của chính quyền. Mục tiêu của việc này là để giảm lượng bệnh nhân đến bệnh viện cùng lúc. Tuy nhiên, hôm 24/3, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn Mỹ “mở cửa nền kinh tế và sẵn sàng hoạt động vào lễ Phục sinh (12/4)”. Các chuyên gia y tế nhận định việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian ngắn ngủi không đủ để giảm tốc độ lây lan của virus. Trung Quốc từng mất hai tháng để phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc và nhiều tỉnh, thành phố khác mới dập được dịch. 

Đầu tháng này, tiến sĩ Fauci đã nói “có lẽ sẽ mất vài tuần hoặc có thể lâu hơn trước khi chúng ta biết liệu các hành động hiện nay có tác dụng” làm giảm sự lây lan của virus hay không. Hôm 24/3, ông Fauci nhấn mạnh phải “linh hoạt” trong kế hoạch mà ông Trump đưa ra.

“Rõ ràng, không ai muốn giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội khi mọi thứ đang diễn ra như ở thành phố New York,” ông Fauci nói hôm 24/3.

Trong khi đó một số người ở New York không nghĩ dịch có thể được kiểm soát sớm. Thống đốc Cuomo dự đoán số bệnh nhân sẽ đạt đỉnh trong 21 ngày tới dựa trên các số liệu hiện tại.

“Dịch bệnh chỉ mới bắt đầu. Và bạn có thể cảm nhận được điều đó. Bạn có thấy được điều này tại khoa cấp cứu”, bác sĩ Spencer nói. 

Bác sĩ Spencer đã kêu gọi mọi người tiếp tục giãn cách xã hội trên tài khoản Twitter: “Chúng ta đã hành động quá muộn để ngăn chặn virus xâm nhập nhưng chúng ta có thể làm chậm lại sự lây lan”. “Các bệnh viện sắp hết chỗ. Chúng tôi sắp hết máy thở và xe cứu thương bận rộn cả ngày”, bác sĩ Spencer cho hay.

Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 85.000 ca nhiễm, trong đó 1.300 người tử vong. Covid-19 đã xuất hiện ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến 532.000 người mắc bệnh, hơn 24.000 ca tử vong. 

Sơn Nam (Theo CNN) – Ngoisao.net