Người lưu ký ức trận chiến đẫm máu nhất của Mỹ trong Thế chiến II

Marcel Schmetz vẫn nhớ cảnh những chiếc xe tải chở đầy thi thể lính Mỹ, máu chảy nhuốm đỏ con đường cách đây 75 năm. 

Nằm giữa những ngọn đồi xanh ở Thimister-Clermont, Bỉ, ngôi nhà của ông Marcel Schmetz, 86 tuổi, được biết tới là Bảo tàng Ký ức 39-45, nơi lưu lại những thông tin về trận đánh đẫm máu nhất của Mỹ trong Thế chiến II: trận Bulge (hay trận Ardennes).

Trận Bulge nổ ra từ ngày 16/12/1944, khi phát xít Đức huy động lực lượng lớn đánh vào phòng tuyến quân Đồng minh nhằm bao vây, chiếm cảng Antwerp, miền bắc nước Bỉ để chia cắt quân Anh và Mỹ trong khu vực, giúp xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho quân Đức.

Khi trận Ardennes kết thúc vào ngày 24/12/1944, Mỹ bị thiệt hại tới 19.000 binh sĩ, số thương vong nặng nề nhất mà họ phải hứng chịu trong một trận đánh thời kỳ Thế chiến II, nhưng đã bảo vệ thành công phòng tuyến quan trọng trước quân đội phát xít.

Ngồi quanh chiếc bàn ở phòng khách, Marcel cùng vợ Mathilde và cựu binh Arthur Jacobson chia sẻ nhiều câu chuyện về trận đánh tháng 12/1944, đánh dấu sự thất bại của phát xít Đức trước quân Đồng minh. 

Trong ký ức của Schmetz, có những ngày hơn 200 người chết trận. “Nó khiến tôi liên tục gặp ác mộng”, Schmetz nói. Cậu học sinh 11 tuổi khi đó quyết tâm phải trả ơn những người lính Mỹ đã tới tham chiến, giúp giải phóng quê hương. “Tôi phải làm điều gì đó”.

“Tôi ít khi chia sẻ những câu chuyện này, nhưng thỉnh thoảng kể lại một chút cho ai đó muốn biết”, Jacobson, người mới 20 tuổi khi trận chiến nổ ra, nói. 

Những cựu binh ngồi nói chuyện trong phòng khách nhà ông bà Marcel và Mathilde, ở Thimister-Clermont, Bỉ, hôm 10/12. Ảnh: AP.
Những cựu binh ngồi nói chuyện trong phòng khách nhà ông bà Marcel và Mathilde, ở Thimister-Clermont, Bỉ, hôm 10/12. Ảnh: AP.

Jacobson, người lính từng cầm khẩu súng chống tăng Bazooka năm xưa, kể về những người bạn đã mất, về tình bạn có được, với nụ cười buồn và đôi mắt rớm lệ.

Đối với Marcel và Mathilde, đôi vợ chồng nổi tiếng với nhiều người ở Mỹ, việc lưu giữ ký ức về trận đánh 75 năm trước giống như sứ mệnh của cuộc đời, bởi nó là cầu nối của tình bạn và sự cảm thông. Họ không cô đơn trong sứ mệnh này. 

Từ bờ biển ở Normandy, nơi chứng kiến cuộc đổ bộ của quân Đồng minh, tới những cánh rừng ở Ardennes, Bỉ, người dân vẫn rất cảm kích những gì lính Mỹ đã làm. Tuy nhiên, những người đó vẫn sống trên các vết sẹo chiến tranh, nơi chiến trường, đài tưởng niệm, nghĩa trang chỉ cách vài km.

Ký ức dần phai nhạt với nhiều người khi họ chuyển tới sống ở những thành phố châu Âu, nơi ngự trị của hòa bình và thịnh vượng trong những năm tươi đẹp nhất của thế kỷ. Ký ức của các nhân chứng cuối cùng, giờ đã ở độ tuổi ngoài 90, cũng không còn nhiều. 

Đặc biệt, khi mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu có dấu hiệu xấu đi, việc lưu giữ ký ức nguyên vẹn về cuộc chiến năm xưa đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, sứ mệnh của vợ chồng Marcel và Mathilde trở nên quan trọng hơn. “Dù mọi thứ có thay đổi, chúng tôi vẫn phải ghi nhớ những chàng trai sẵn sàng xông pha nơi tiền tuyến để chiến đấu bảo vệ sự tự do của nơi đây”, Mathilde nói.

Quân Đức tiến vào Bỉ trong trận đánh Bulge năm 1944. Ảnh: Independent.
Quân Mỹ vượt qua tuyến phòng thủ Siegfried vào Đức năm 1945. Ảnh: Smithsonian Journeys.

Serge Fafchamps, một cảnh sát địa phương, từng có khoảng thời gian cảm thấy phiền muộn khi chưa thể hoàn thành tâm nguyện trao kỷ vật chiến tranh cho gia đình của một lính Mỹ thiệt mạng. Đó là một cuốn Kinh thánh nhỏ có chữ ký của một người tên là Millard Weekley mà gia đình anh nhặt được trong một khách sạn địa phương. Người lính Mỹ có lẽ đã bỏ quên cuốn kinh khi vội chạy ra tiền tuyến.

Giống như nhiều cư dân địa phương, Fafchamps nhận thức sâu sắc sự hy sinh của lính Mỹ trong Thế chiến II và muốn thể hiện rằng họ chưa từng lãng quên điều đó. “Tôi hy vọng điều nhỏ bé này có thể mang lại niềm vui cho gia đình của người lính”, Fafchamps chia sẻ.

Fafchamps từng nghĩ không còn cơ hội tìm thấy gia đình người lính Mỹ để trao lại kỷ vật. Nhưng tình cờ, anh biết đến ông bà Marcel và Mathilde, những người sau đó giúp anh hoàn thành tâm nguyện.

“Tôi bắt đầu tìm kiếm với sự giúp đỡ của những người bạn Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy Paula Ferrell, con gái của người lính Mỹ đó”, Mathilde cho biết.

Trung tá Jim Moretti thuộc Phi đội tiếp nhiên liệu trên không 171 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Pennsylvania, Mỹ, người may mắn biết được câu chuyện, đã đảm nhận trọng trách trao kỷ vật cho Ferry khi biết cô sống gần căn cứ quân sự ở Coraopolis, bang Pennsylvania. Một ngày chủ nhật tại căn cứ của Moretti, Ferrell và gia đình được trao tận tay cuốn Kinh thánh của người cha đã tham gia cuộc chiến.

“Thật tuyệt vời. Tôi rất biết ơn về điều này”, Ferrell cảm kích trước việc làm của Fafchamps. Bây giờ, Ferrell luôn đặt cuốn Kinh thánh đó trên chiếc bàn ngay cạnh giường ngủ. Những chữ viết trên trang đầu của cuốn Kinh thánh là ký ức về cha cô. “Cha tôi là người ít nói nên chưa từng kể về cuộc chiến đó”, Ferrell cho biết.

Một tình bạn mới đã được thiết lập xuyên đại dương. “Nếu anh ấy có mặt ở đây, tôi thực sự muốn dành cho anh ấy một cái ôm”, Ferrell nói về Fafchamps. Trong khi đó, Fafchamps cho biết anh thấy nhẹ nhõm giống như “hoàn thành một nhiệm vụ”. 

Chiếc xe tải quân đội “Red Ball Express” với vô số chữ ký của những người lính được xem là hiện vật chiến tranh tuyệt vời nhất ở bảo tàng của vợ chồng Marcel. Tuy nhiên, chủ nhân của các chữ ký đó lần lượt qua đời.

Nhiệm vụ của vợ chồng Marcel ngày càng khó khăn hơn. Marcel, người từng rất lạc quan, giờ bắt đầu lo lắng tìm kiếm một thế hệ lính Mỹ trẻ như Moretti thay ông tiếp tục đảm nhận sứ mệnh. 

“Những người lính Mỹ trẻ tại căn cứ quân sự ở Đức luôn nhắc nhớ tôi về sự góp mặt của lính Mỹ trong trận chiến năm 1944 để giải phóng nơi này. Tôi không thể quên họ. Sao tôi có thể quên họ chứ?”, Marcel nói.

Chiếc xe tải quân đội Red Ball Express với vô số chữ ký của những người lính trên thành xe. Ảnh: AP.
Chữ ký của những lính Mỹ trên chiếc xe tải quân đội “Red Ball Express”. Ảnh: AP.

Thanh Tâm (Theo AP) – Vnexpress