Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vận động, hàng nghìn người Hong Kong hôm nay tập trung tại các quận Causeway Bay và Wan Chai sầm uất, hô khẩu hiệu phản đối chính quyền.
“Mọi người có thể bị truy tố hình sự chỉ vì lời nói hoặc vì công khai phản đối chính quyền”, người biểu tình Vincent, 25 tuổi, nói. “Tôi nghĩ người Hong Kong rất thất vọng vì chúng tôi không nghĩ điều này đến quá nhanh và quá lỗ mãng như vậy. Nhưng chúng tôi không ngây thơ đến mức tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đơn giản ngồi không và không làm gì. Mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn ở đây”.
Đến 14h (13h giờ Hà Nội), người biểu tình chiếm đường Gloucester, trong khi những người khác giơ biểu ngữ phản đối chính quyền và trưng cờ Mỹ. Những người khác phản đối cảnh sát chống bạo động, la hét “Độc lập Hong Kong. Con đường duy nhất”.
Người biểu tình cũng nỗ lực chặn các phương tiện giao thông ở đường Hennessy. Một xe bọc thép và vòi rồng được triển khai tại đây, với các thành viên của lực lượng tác chiến đặc biệt ngồi trên nóc xe, chĩa vũ khí vào đám đông xung quanh.
Tại đường Canal, tình hình trở nên căng thẳng khi cảnh sát giơ cờ xanh nhiều lần và chĩa hơi cay vào các phóng viên, ủy viên hội đồng quận. Cảnh sát sau đó phun vòi rồng vào những người biểu tình cố dựng rào chắn trên đường phố, trong khi nhiều hơi cay được sử dụng bên ngoài trung tâm mua sắm Hysan Place.
Nhà hoạt động sinh viên Joshua Wong, người có mặt tại hiện trường, cho biết đã lên kế hoạch đấu tranh và tiếp tục vận động để được hỗ trợ từ nước ngoài. “Khi Bắc Kinh tuyên bố dự luật, đã đến lúc phải đáp lại”, Wong nói.
Nhà hoạt động Tam Tak-chi đã bị bắt bên ngoài cửa hàng bách hóa Sogo ở Vịnh Causeway. Tam nói rằng ông đang tiến hành “một cuộc trao đổi về y tế” và có y tá góp mặt, không vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 8 người do Covid-19, song cảnh sát khẳng định Tam tổ chức tụ tập trái phép và bắt ông. “Đấu tranh cho tự do! Đứng với về phía Hong Kong!”, Tam hô vang khi bị bắt đi.
Sau khi Tam bị bắt, hơn 100 người đã tụ tập bên ngoài Sogo, hô “Độc lập Hong Kong là lối thoát duy nhất!”.
Cảnh sát chống bạo động sau đó phun hơi cay vào người biểu tình, buộc họ phải giải tán. Một số người ném đồ vật, bao gồm ô, vào cảnh sát. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra theo mô hình tương tự nhiều cuộc biểu tình năm ngoái.
Trước đó một ngày, cảnh sát khuyến cáo người dân không tham gia vào bất kỳ cuộc tụ tập trái phép nào, cho hay họ đã huy động đủ sĩ quan để hành động quyết đoán. Các nhóm cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ đã bắt đầu tập trung tại các địa điểm gần cửa hàng bách hóa trước buổi trưa.
Biểu tình diễn ra hai ngày sau khi dự luật an ninh được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc, trong đó cấm các hoạt động ly khai và lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.
Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hong Kong chỉ trích mạnh mẽ dự luật này, nói rằng nó đi ngược lại mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó Bắc Kinh cam kết duy trì các quyền tự do cho thành phố. Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, “gây nguy hiểm cho quyền và tự do” tại đây.
Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ “hợp tác hoàn toàn” với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật. Carrie Lam nói dự luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền, tự do và tính độc lập về tư pháp của đặc khu.
Maria Tam, cố vấn luật Hong Kong tại quốc hội Trung Quốc, hôm qua khẳng định lực lượng thực thi pháp luật của đại lục sẽ không hoạt động ở Hong Kong nếu không có “sự chấp thuận” của chính quyền địa phương. “Tôi không lo lắng việc bất kỳ ai bị cảnh sát từ đại lục bắt và đưa về Trung Quốc để điều tra hoặc xử phạt”, Maria Tam nói. “Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra”.
Dự luật dự kiến được thông qua vào 28/5, ngày bế mạc kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ủy quyền xây dựng luật an ninh chi tiết và ban hành ở Hong Kong mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp ở Hong Kong. Hội đồng Lập pháp sẽ thảo luận dự luật an ninh vào ngày 27/5.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Anh và EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh Hong Kong. Các nước kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền, tự do cũng như quyền tự trị cao của Hong Kong. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “phản ứng cứng rắn” nếu Trung Quốc ban hành dự luật này.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP) – Vnexpress