Người đàn ông nuôi hàng nghìn trẻ sinh non thế kỷ 20

Khi tất cả bệnh viện từ chối điều trị trẻ sinh non, Martin Couney tình nguyện chăm gần 7.000 trẻ trong lồng nuôi.  

Năm 1903, có một hội chợ rất lạ tổ chức tại Coney Island. Hội chợ có nhiều trò chơi, gian trưng bày hấp dẫn, như biểu diễn nuốt kiếm, bắn súng, trò chơi cảm giác mạnh… Trong đó, “gian trưng bày trẻ sơ sinh trong lồng nuôi” của Martin Couney thu hút đông người tới xem nhất. Một vé tham quan gian hàng này giá 25 cent. 

Bên trong gian trưng bày là hàng trăm chiếc lồng kính – nơi những đứa trẻ sinh non đang được nuôi dưỡng, chăm sóc mỗi ngày. 

Các mẫu lồng nuôi đều thuộc loại mới nhất khi đó, tất cả được nhập từ Pháp – thị trường chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh tốt nhất thế giới thuở ấy. Mỗi chiếc cao 1,5 m, bên trong có máy điều chỉnh nhiệt độ, không khí được đưa từ ngoài trời vào qua hệ thống lọc khử trùng. Các em bé nằm ngủ trên một chiếc giường lưới mịn, được các y tá, bác sĩ chăm sóc tận tình. 

Chiếc lồng nuôi trẻ sinh non được thiết kế đặc biệt. Ảnh: New York Public Library
Chiếc lồng nuôi trẻ sinh non có thiết kế đặc biệt. Ảnh: New York Public Library

Hoạt động trên mô hình là một gian hàng trưng bày, Martin khẳng định tâm huyết của ông là một bệnh viện thu nhỏ, với một đội ngũ y tá, vú nuôi, hai bác sĩ địa phương, tất cả đều mặc đồng phục, được huấn luyện bài bản. 

Để trẻ được nuôi bằng nguồn sữa giàu dinh dưỡng, ông thuê riêng một đầu bếp chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho các vú nuôi. Bất cứ ai bị phát hiện hút thuốc, uống rượu, ăn đồ ăn vặt đều bị đuổi việc ngay lập tức. Vấn đề vệ sinh của không gian trưng bày, đặc biệt các lồng nuôi luôn được đặt lên hàng đầu. 

Suốt 40 năm hoạt động, Martin không thu phí bất kỳ phụ huynh nào có con sinh non, dù phí chăm sóc một đứa trẻ lên tới 15 USD một ngày (tương đương 405 USD ngày nay). Toàn bộ tiền duy trì hoạt động gian trưng bày được lấy từ tiền vé tham quan. 

Ông còn mang những trưng bày của mình tới các khu công viên giải trí, hội chợ triển lãm thế giới khắp nước Mỹ. Các buổi triển lãm của ông tại Anh đạt tiếng vang lớn, gần 3.600 người tới xem ngay buổi đầu tiên. Tạp chí Y khoa Anh The Lancet khi đó đã có một bài viết ca ngợi gian trưng bày của Martin. 

Martin Couney cứu mạng gần 7.000 trẻ sinh non tại những triển lãm của mình. Ảnh: New York Public Library 
Martin Couney cứu mạng gần 7.000 trẻ sinh non tại những gian trưng bày của mình. Ảnh: New York Public Library 

Trong những năm đầu thế kỷ 20, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao. Những đứa trẻ sinh non – được gọi là “những đứa trẻ yếu đuối” – không phải là đối tượng được ưu tiên chữa trị tại các bệnh viện, nhiều bác sĩ tin số phận những đứa trẻ này “do Chúa quyết định”. Hầu hết trẻ sinh trước tháng đều chịu chung một số phận: chết vì không được chăm sóc.

Do đó, ông bị nhiều cơ sở y tế xa lánh, lên án vì việc làm đi ngược lại với ngành y, coi ông “chỉ là một lang băm”. Nhiều tổ chức từ thiện trẻ em, bác sĩ, quan chức y tế buộc tội ông bóc lột, gây nguy hiểm cho những đứa trẻ khi đưa chúng làm “vật cảnh cho người khám ngắm nhìn”. Nhiều nỗ lực đã được đưa ra để đóng cửa những gian trưng bày của Martin nhưng không thành. 

Song, đối với cha mẹ những đứa trẻ sinh non được ông cứu giúp và hàng triệu vị khách kéo tới gian hàng của ông, Martin là một bác sĩ mang lại phép màu, được mệnh danh là “bác sĩ lồng nuôi trẻ”. 

Trong suốt gần 50 năm tận tụy với nghề, Martin đã cứu gần 7.000 đứa trẻ sinh non, không phân biệt sắc tộc, tầng lớp, có những bé nặng chưa đầy một kg. Các hộ gia đình dù giàu hay nghèo đều tin tưởng giao con cho ông. 

Một vài bác sĩ tại Mỹ bắt đầu gửi bệnh nhi sinh non của mình tới Martin để được chăm sóc trong các lồng nuôi. Việc làm của ông cũng dần được thế giới ghi nhận. 

Beth và những bức ảnh từng chụp khi còn bé tại triển lãm của Martin. Ảnh: Aiken Standard
Beth chia sẻ những bức ảnh từng chụp khi còn bé tại gian trưng bày của Martin. Ảnh: Aiken Standard

“Martin Couney là một con người tuyệt vời, đã cứu hàng nghìn đứa trẻ như tôi. Ông ấy đáng được nổi tiếng với những gì đã cống hiến”, Carol Boyce Heinisch, 77 tuổi, từng được bố mẹ đưa tới nuôi dưỡng tại gian trưng bày của Martin nói. Hiện, bà vẫn giữ chiếc vòng cổ ghi thông tin cá nhân trong khoảng thời gian đó. 

“Không một ai dang tay cứu tôi”, Beth Allen, 78 tuổi, từng sinh non ba tháng, về sau kể lại. Lần đầu được bác sĩ gợi ý tới gặp Martin, mẹ bà từ chối, cho rằng “con gái tôi không phải người quái dị”. Khi biết tin, chính Martin đã tới bệnh viện thuyết phục mẹ của Beth. Kể từ đó, vào Ngày lễ của Cha hàng năm, Beth được bố mẹ đưa tới thăm Martin. Khi Martin qua đời ở tuổi 80, cả ba người cũng có mặt. “Nếu không có Martin Couney, tôi sẽ không sống tới ngày hôm nay”, Beth xúc động. 

“Ngày nay, các triển lãm trẻ sơ sinh như vậy sẽ được coi là thiếu đạo đức”, bác sĩ Richard Schanler, giám đốc Dịch vụ Sơ sinh tại Trung tâm Y tế Nhi Cohen lưu ý. “Song, cần cân nhắc bối cảnh y học thời Martin sống”.

Lê Hằng (Theo BBC, Vintage News)  – Vnexpress