Người đàn ông khuyên vợ lấy chồng khác

Nhìn vợ mồ hôi túa ròng khi bế mình đi vệ sinh, Vịnh nghẹn ngào: ‘Hay chúng mình dừng lại đi. Thế này mãi tội em lắm’.

“Tôi là người khuyết tật, ba năm nay bị liệt hoàn toàn. Vợ chồng tôi đã nương tựa vào nhau đến giờ. Cảm ơn vợ vì đã không bỏ rơi anh”, Đinh Công Vịnh, 30 tuổi, quê Mai Châu, Hòa Bình bắt đầu bài viết kể về người vợ của mình trên một diễn đàn mạng. Kèm theo bài viết là hai bức ảnh vợ chồng tay trong tay, quấn quýt bên nhau.

Vịnh là người dân tộc Mường, bị liệt hai chân. Đầu năm 2017, khi đang làm phụ hồ dưới Hà Nội, những cơn đau lưng bắt đầu xuất hiện. Chữa trị mãi không đỡ, thấy nhiều người tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào lưng, anh cũng học theo. Sau hơn một năm vết tiêm nổi cục áp xe, để lâu nhiễm vào tủy.

Sau phẫu thuật hút dịch trong tủy, Vịnh tiếp tục trải qua ca mổ do bị dò dịch ở chân. Ngay khi nằm trong viện, từ xương cụt trở xuống đã không còn cảm giác. Ông bố một con suy sụp. Lần đầu được vợ mặc bỉm vì không tự chủ được vệ sinh, Vịnh khóc ngay trên giường bệnh. “Với tôi cuộc sống coi như chấm hết”, anh hồi tưởng.

Chồng bị liệt hai chân, năm đầu tiên, chị Bùi Thị Hoa thường phải bế chồng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chồng bị liệt hai chân, năm đầu tiên, chị Bùi Thị Hoa thường phải bế chồng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ra viện, từ một thanh niên khỏe mạnh, giờ mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào vợ. Nhà tranh vách đất, khu vệ sinh không khép kín nên mỗi lần đưa chồng đi tắm hay vệ sinh, chị Bùi Thị Hoa đều phải bế chồng, ròng rã hơn một năm. Cả nhà khi đó sống dựa vào 3 sào ruộng và tiền công đi làm thuê của chị. Một mình chăm chồng con, những nếp nhăn trên khóe mắt Hoa ngày càng nhiều, bạn bè nhận xét chị già hơn lứa tuổi 28.

Phải ngồi và nằm nhiều nên phần xương cụt của Vịnh thường xuyên bị viêm loét nhưng anh không cảm nhận được. Từ một người hoạt bát, vui vẻ, anh trở nên lầm lì, hay cáu bẳn. Để chồng thoải mái tinh thần, thỉnh thoảng Hoa chở chồng đi hóng gió bằng xe máy. Có lần, do không để ý, về tới nhà Hoa phát hiện bắp chân chồng bị bỏng, phồng rộp do chân chạm vào ống pô xe. “Cháy da cháy thịt nhưng tôi không cảm giác gì. Sự bất lực đến từ ngay việc đau mà cũng chẳng biết”, người đàn ông 30 tuổi chia sẻ.

Nhìn thấy vợ tất tả ngược xuôi kiếm tiền nuôi gia đình, một lần quẫn trí nhìn thấy lọ thuốc trừ sâu trong góc nhà, ý nghĩ thoáng qua trong đầu anh: “Hay kết thúc cho xong đời”. Cô con gái 4 tuổi lúc đó bất ngờ chạy về phía bố, bóp chân rồi hỏi: “Bao giờ bố biết đi. Khi khỏe bố đưa con đi học nhé”. Ông bố trẻ bừng tỉnh, xoa đầu con, quay đi mắt đỏ hoe.

Ngoài liệt chân, căn bệnh viêm tủy cũng đặt dấu chấm hết cho “bản năng đàn ông” của Vịnh. Nhiều lần nằm cạnh vợ, anh ngập ngừng nói lời chia tay: “Em còn trẻ, cứ mãi thế này tội lắm”. Hoa mỗi lần nghe chồng nói đến việc ly dị đều lắc đầu: “Vợ chồng là duyên số. Có duyên thì dù cho thế nào cũng phải ở bên nhau”, cô khẳng khái.

Không thuyết phục được vợ, Vịnh thường xuyên kiếm chuyện, gây sự để Hoa “chán chồng”. Những lúc bị chồng quát mắng, Hoa lại ngồi im, đợi qua cơn giận mới nhỏ nhẹ: “Dù thế nào em không bao giờ bỏ anh đâu”. Nói rồi, cô lặng lẽ đi ra ngoài, để chồng ở lại một mình, nguôi ngoai cơn giận.

Biết không thể lay chuyển vợ, Vịnh không nhắc đến chuyện ly hôn nữa nhưng tỏ ra lạnh nhạt, ngày nói dăm ba câu cho có. Hoa vẫn lặng lẽ chăm sóc chồng. Thời gian ở nhà, anh tìm hiểu và tham gia hội nhóm dành cho những người bị chấn thương cột sống. Thấy nhiều người còn vất vả hơn mình, anh tự vấn bản thân: “Mình còn có vợ chăm sóc, sao mãi không thể bình tâm”.

“Không chết được thì phải cố gắng sống tốt. Đừng làm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, Vịnh nhớ tới lời của một người bạn trên hội nhóm, người đàn ông 30 tuổi tự vịn tường ngồi dậy, cố di chuyển ra chiếc xe lăn đặt ở đầu giường, cầm chiếc chổi quét nhà.

Thấy vợ tất bật việc đồng áng, còn đi làm thuê, trưa vẫn tạt qua nhà lo cơm nước, Vịnh bắt đầu học cách tự tắm rửa, nấu ăn giúp vợ. Con gái đi học về đã có cơm nóng, canh ngọt, nhà cửa quét dọn gọn gàng. Vợ Vịnh thường đùa nhờ cơm chồng nấu mà cô tăng cân. “Em phải ăn thật khỏe thì mới bế nổi anh chớ”, Hoa cười lớn mỗi khi Vịnh so sánh vợ to gấp rưỡi chồng.

Gia đình nhà anh Vịnh, chị Hoa và con gái năm nay đã tròn 7 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Gia đình nhà anh Vịnh, chị Hoa và con gái năm nay đã tròn 7 tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau nhiều năm làm công, một năm trở lại đây, Hoa bàn với Vịnh ở nhà bán hàng nông sản, tạp hóa cho người dân địa phương. Lúc thì vài con gà, lúc thì cây giống hoặc những sản phẩm thiết yếu khác. Hai vợ chồng cùng làm, chồng đăng bài trên trang cá nhân, vợ đi đưa hàng, vui vẻ, chẳng to tiếng cãi vã. Tiền lãi đủ ăn và trả lãi ngân hàng từ những ngày Vịnh còn nằm viện điều trị.

Năm ngoái, qua một chương trình từ thiện, gia đình Vịnh Hoa được một tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm xây dựng lại căn nhà cấp 4 trên nền căn nhà vách đất cũ. Nhà vệ sinh và bếp khép kín khiến việc di chuyển xe lăn của người đàn ông 30 tuổi trở nên thuận tiện hơn.

Biết vợ thích các món ăn từ cá, Vịnh lên mạng mày mò học hỏi rồi vào bếp. Giờ ông bố một con rất tự tin với món cá om dưa được vợ đánh giá “ngon nhất Vịnh Bắc bộ” – việc mà nhiều năm trước ít khi đụng tới. Ngoài việc bếp núc, gần đây Vịnh lại thích nghêu ngao hát và thổi sáo – sở thích thời thanh niên của anh.

Trong căn nhà cấp 4 mới xây, Đinh Công Vịnh với tay lấy cây sáo bầu treo trên tường, lau lớp bụi rồi đưa lên miệng thổi. Giữa trưa, tiếng sáo cất lên, lúc lảnh lót, trong trẻo, lúc trầm ấm nhẹ nhàng. Bài sáo này được anh quay lại video để làm quà tặng sinh nhật vợ.

Buông sáo, Vịnh gọi con gái 7 tuổi vào bếp, cùng nhau nhào nặn bột mỳ, hấp lên làm bánh sinh nhật với lời nhắn tặng vợ: “Cùng nắm tay nhau để lo cho con em nhé. Cảm ơn em vì đã luôn ở bên anh”.

Hải Hiền – Vnexpress