7h sáng mỗi ngày, khi thủy triều rút, anh La Xuân (53 tuổi, thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong) cùng vợ chèo thuyền ra vùng nước cạn giữa phá Tam Giang bắt hàu sữa. Sau 15 phút, ông Xuân cho chiếc xuồng nan tre dừng lại ở vùng nước sâu khoảng một mét, rồi mang mặt nạ lặn xuống nước tìm bắt hàu.
Bà Châu Thị Hoa (52 tuổi, vợ anh Xuân) cũng nhảy xuống nước, mang găng tay vải bố và cầm cây vợt bằng lưới ngâm mình trong dòng nước lợ để cùng chồng bắt hàu. Bà Hoa đi chậm rãi giữa dòng nước do phía dưới là những con hàu vỏ cứng, sắc nhọn. Vớt được con hàu sữa nào, hai vợ chồng lần lượt đưa lên thuyền.
Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, ông Xuân và bà Hoa bắt được khoảng 50 kg hàu sữa đưa vào bờ. Họ bốc hàu vào rổ tre, rửa qua nước rồi dùng dao tách các con hàu đang bám vào nhau.
“Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng bắt được hơn 50 kg hàu sữa, mỗi kg hàu còn vỏ bán với giá 50.000 đồng/kg, còn đã tách vỏ bán 150.000 đồng” bà Hoa nói.
Từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm, nhiều người dân thôn Vân Quật Đông tập trung ra vùng nước lợ ở phá Tam Giang bắt hàu sữa. Anh Trần Văn Cẩm, 31 tuổi, đã có 6 năm theo nghề này để nuôi sống gia đình.
“Hàng ngày hai vợ chồng tôi ngâm mình trong nước từ sáng sớm đến trưa, khoảng 4 tiếng để bắt hàu. Vớt hàu đã khó, việc lấy xác hàu ra khỏi vỏ càng khó hơn”, anh Cẩm chia sẻ. Sau buổi sáng bắt hàu, hai vợ chồng mất thêm 3 tiếng đồng hồ ngồi tách vỏ để đem ra chợ bán.
Bà Trần Thị Chấn (69 tuổi, thôn Vân Quật Đông) theo nghề bắt hàu gần 20 năm qua. Hàng ngày bà ngâm mình trong dòng nước lợ phá Tam Giang từ 6h đến 10h để mưu sinh. Hàu sữa sau khi bóc tách vỏ, bà Chấn đưa lên bán cho khách qua đường ven quốc lộ 49B.
“Mỗi ngày tôi kiếm khoảng 100.000 – 300.000 đồng. Nghề bắt hàu dễ kiếm tiền song vất vả vì phải ngâm mình dưới nước lạnh nhiều giờ, nhiều khi không may giẫm đạp phải mảnh chai, hàu cắt rách bàn chân”, bà Chấn nói.
Hàu sữa là món ăn khoái khẩu của nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế. Họ thường nấu cháo, xào hoặc nướng hàu với mỡ hành.
Võ Thạnh – Vnexpress