Đến cầu cảng đảo Bình Ba từ sáng sớm, ông Phan Văn Chương, 42 tuổi, lên thuyền thúng ra vịnh Cam Ranh, cách đó hơn một hải lý. Tới nơi, ông đeo bình hơi lặn xuống chừng 6 m vệ sinh các lồng tôm. Từ chủ lồng nuôi tôm, hơn tháng nay, ông phải đi làm thuê, với mức 6 triệu đồng một tháng.
Đầu tháng 4, gia đình ông vớt tôm trong 9 lồng, bán được 300 triệu đồng. Trong khi vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng, nếu tính thêm tiền công gần cả năm thức đêm dậy sớm và chi phí lồng nuôi 7 triệu mỗi cái thì ông lỗ một nửa.
Thoạt đầu, vợ chồng ông dự định thả thêm vài nghìn con xuống nuôi tiếp. Tuy nhiên, giá tôm giống tăng cao, mỗi con 50.000 đồng, trong khi vụ trước chỉ 20.000 đồng. Từ đó, họ quyết định kéo lồng lên bè, chờ lúc thích hợp nuôi trở lại.
Theo ông Chương, nếu lồng để dưới biển thì cần phải làm vệ sinh mỗi ngày vì ốc, sò hay hàu bám vào dễ hỏng. Đến lúc đưa lên bờ, do tác động của thời tiết, lưới và khung sắt dễ mục, gỉ sét nên cần phải thường xuyên kiểm tra, nhận lại xuống biển để tránh hư hại.
“Bỏ cũng tiếc, mà để cũng sợ hỏng nên cố giữ qua lúc khó khăn rồi nuôi lại, chứ ở đây chỉ có nghề nuôi tôm mới sống được”, người đàn ông nói.
Hàng loạt lồng nuôi tôm ở gần đó nằm ngổn ngang. Nhiều chòi canh tôm, chứa thức ăn, vắng vẻ. Bè phao trôi dạt, nổi lềnh bềnh nhìn tan hoang như sau một trận bão. Không khí buồn bã bao trùm “đảo tôm hùm”, không còn cảnh tấp nập, tiếng các chủ bè í ới gọi nhau như trước đây.
Cùng cảnh ngộ, anh Phạm Anh Khương, 37 tuổi, cũng ra nhấn chìm 8 lồng tôm xuống biển, sau khi kéo lên để lăn lóc trên bè cả tháng nay. Năm 2011, anh đầu tư hơn 600 triệu đồng nuôi tôm. Khi ấy, tôm trong vùng bị dịch, chết trắng nên anh lỗ hơn 300 triệu đồng. Từ đó, anh bỏ nghề, đi làm du lịch gần cả chục năm mới nuôi trở lại.
Năm trước, hai vợ chồng gom góp ít tiền tiết kiệm, rồi vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng thả 4.000 con. Họ hy vọng vụ này bội thu sẽ trả bớt tiền ngân hàng, số còn lại tiếp tục kinh doanh. Đến lúc Covid-19 bùng phát, tôm không xuất khẩu được, thương lái mua giá thấp, vốn thì cạn, tiền ăn cho 8 lồng nuôi ngày hơn triệu đồng, anh buộc phải bán, chấp nhận lỗ 160 triệu đồng.
Có thâm niên 20 năm trong nghề, ông Lâm Nhật Long, 52 tuổi, nói chưa khi nào người nuôi tôm phải bỏ lồng và khó khăn như hiện nay. “Nếu tình trạng này kéo dài, chẳng ai dám nuôi nữa, trừ những hộ có nhiều vốn mới cầm cự được”, ông nói. Những ngày qua, tối đến ông phải theo bạn đi biển đánh bắt để kiếm thu nhập sau khi gác lại việc nuôi tôm.
Vợ chồng ông có hai người con, trong đó con gái lớn đã lập gia đình riêng, con trai 25 tuổi sống chung với ông bà. Gia đình vay ngân hàng 250 triệu đồng để xuống vụ tôm. Thấy chúng phát triển đều, không dịch bệnh, hai người mừng thầm. Họ tính, bán được giá sẽ để dành một ít cho con trai sau lấy vợ có vốn khởi nghiệp. Số còn lại tiếp tục nuôi, nhưng chẳng ngờ, vụ này thua lỗ.
Là người còn bám trụ tại bè, sau khi cùng thợ lặn vệ sinh lồng, ông Trần Minh Luật cho biết còn gần 9.000 con có trọng lượng khoảng 0,3 kg, sau 9 tháng nuôi. Tuần trước, thương lái đến hỏi mua với giá 540.000 đồng một kg, giảm 360.000 đồng so với năm trước, ông từ chối bán. Đến nay, họ không đến hỏi mua nữa. Đôi lần điện thoại cho thương lái, ông Luật chỉ nhận phản hồi “tôm không xuất đi được”. “Mỗi ngày, tôi phải bỏ ra gần 2 triệu tiền thức ăn. Tôm nuôi lâu cũng dễ bị bệnh và hao hụt”, chủ lồng tôm nói.
Đảo Bình Ba, xã Cam Bình (TP Cam Ranh) có 1.250 hộ dân thì hơn 1.000 trường hợp nuôi tôm hùm với 8.000 lồng, nơi đây được mệnh danh là “đảo tôm hùm”. Do Covid-19, nhiều hộ nuôi thua lỗ, từ vài trăm triệu đến gần 2 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, việc nuôi thua lỗ đã khiến nhiều người không dám thả tôm giống gối đầu, thống kê đã có gần 500 hộ “treo lồng”. Trên đảo đang tồn khoảng 100 tấn tôm thịt, nuôi ở dưới các lồng.
“Nghề nuôi tôm hùm là chủ lực. Trên đảo chỉ còn gần 40 tàu, thuyền đánh bắt gần bờ, nên người dân phải loay hoay lo cho cuộc sống. Trước mắt, địa phương đã báo cáo với TP Cam Ranh tìm giải pháp để giúp người dân”, ông Ân nói.
Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh cho biết, toàn thành phố có 43.000 lồng nuôi tôm hùm, nhưng đến nay thống kê còn khoảng 34.900 lồng.
Theo ông Hải, tôm hùm chủ yếu bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Từ khi Covid-19 bùng phát, nước bạn có nhiều yêu cầu khắt khe, đòi hỏi tôm sạch, an toàn vệ sinh, nuôi trong vùng quy hoạch và phải xuất theo đường chính ngạch.
Xuân Ngọc – Vnexpress