Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe Trung Quốc trong nhiều năm liền đối mặt với những thách thức lớn. Bệnh viện quá tải, bác sĩ bị hành hung, cuộc khủng hoảng y tế tại nước này chưa đi đến hồi kết.
Tháng 12/2017, bức ảnh người mẹ quỳ khóc bên cạnh con trai trước vỉa hè Bệnh viện Nhi đồng Thượng Hải vì không thể trả khoản viện phí 100.000 nhân dân tệ (khoảng 300 triệu đồng), lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Người phụ nữ trong ảnh là Guo Yinzhen, một bà mẹ đơn thân từ ngôi làng cách Thượng Hải 830 km, đưa con trai ba tuổi tới đây chữa bệnh. Cậu bé mắc chứng não úng thủy bẩm sinh. Hai mẹ con đã lên thành phố nhiều lần, dồn toàn bộ tiền của vào các hóa đơn y tế.
Câu chuyện của Guo được dư luận Trung Quốc quan tâm, trở thành biểu tượng cho những vấn đề mà ngành y tế phải đối mặt, kể từ năm 2017 đến năm 2019.
Bệnh viện quá tải và bạo hành y tế
Chìa khóa cho một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện là sự cân bằng giữa chất lượng, mức độ phổ biến và hiệu quả so với giá thành. Tuy nhiên, ngành y tế Trung Quốc phải chật vật co kéo giữa những yếu tố này.
Trường hợp của Guo và con trai là một ví dụ cực đoan. Song, đối mặt với các vấn đề sức khỏe ít nghiêm trọng hơn, nhiều người vẫn không thể xoay xở để chi trả những khoản viện phí khổng lồ.
Hơn 95% người dân Trung Quốc có bảo hiểm y tế công lập. Tuy nhiên, khoản tiền được bảo hiểm chi trả ở mỗi vùng là khác nhau. Chi phí bên ngoài đôi khi là quá lớn so với tình hình kinh tế của bệnh nhân và gia đình.
Khác biệt về chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại thành thị và nông thôn cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Người dân tỉnh lẻ ở Trung Quốc phải di chuyển một quãng đường dài, trải qua quá trình đăng ký phức tạp để đặt lịch hẹn với bác sĩ. Họ thường xuyên ở lại thành phố qua đêm, chỉ để chờ khám bệnh.
Các bệnh viện công lập cũng vì thế mà trở nên đông đúc. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, người bệnh và nhân viên y tế thường phàn nàn về sự quá tải cũng như thiếu hụt bác sĩ.
Người ta thậm chí dùng thuật ngữ “Yī nào”, nghĩa là “bạo hành y tế” để chỉ tình trạng bệnh nhân hành hung và gây rối trật tự.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng vô cùng đa dạng. Thiếu bác sĩ gia đình và cơ sở y tế địa phương, bệnh viện lớn được lựa chọn đầu tiên cho tất cả loại hình điều trị, dù là nhỏ nhất. Bệnh nhân có xu hướng không tin tưởng vào các phòng khám tư nhân. Điều này gây khó khăn cho nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vốn đang chật vật kiếm đủ tiền để giữ chân nhân viên có trình độ.
Trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng, những thách thức đối với ngành chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc càng trở nên cấp bách.
Người dân tìm đến ứng dụng y khoa trực tuyến
Mệt mỏi với tình trạng quá tải, nhiều người tìm đến ứng dụng y khoa trực tuyến. Các nền tảng này thường hoạt động dựa trên nguyên tắc chung, sử dụng nhân viên y tế nội bộ, ký hợp đồng với bác sĩ bên ngoài, hợp tác với bệnh viện và các cửa hàng thuốc uy tín toàn quốc. Thông qua các ứng dụng, người dùng có thể nắm bắt cơ sở dữ liệu của các chuyên gia y tế, đặt thuốc online, nhận tư vấn trực tuyến 24/7…
Sự xuất hiện của các ứng dụng chăm sóc sức khỏe chỉ là một phần trong quá trình phát triển kỹ thuật số và các phương tiện truyền thông.
Những ứng dụng này lấp đầy khoảng trống trong dịch vụ y tế công cộng của Trung Quốc. Bệnh nhân có nhiều sự lựa chọn hơn, tại nhiều khu vực với mức giá hợp lý. Những người mắc bệnh nhẹ có thể được chẩn đoán trong vài phút thông qua các nền tảng này.
Đây chưa phải giải pháp toàn diện cho các vấn đề mà ngành y gặp phải. Những bà mẹ khó khăn như Guo Yinzhen vẫn không tìm thấy sự giúp đỡ họ cần. Tuy nhiên sẽ làm giảm gánh nặng tại các bệnh viện lớn. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng tạo hy vọng cho nhiều gia đình khó khăn.
Sau khi cậu chuyện của Guo được lan truyền rộng rãi, Tổ chức Phúc lợi Trẻ em Thượng Hải Xiaoxingxin đã đề nghị chi trả hóa đơn y tế cho con trai cô. Hiện, sức khỏe của cậu bé đã ổn định.
Thục Linh (Theo What’s in Weibo) – Vnexpress