Ngôi làng của Nữ hoàng Pháp cuối cùng

Làng Hameau de la Reine được coi là “minh chứng” cho lối sống hoang phí của một trong những nữ hoàng nổi tiếng nhất thế giới.

Marie Antoinette (1755 – 1793) là Nữ hoàng cuối cùng của Pháp trước Cách mạng Pháp. Bà sinh ra tại Áo và mới lên 14 khi kết hôn với Louis-Auguste, người sau này lên ngôi Hoàng đế Pháp Louis XVI. Năm 1783, Marie cho xây dựng Hameau de la Reine (Ngôi làng của Nữ hoàng) gần cung điện Versailles.

Những ngôi làng kiểu hameau rất phổ biến với giới quý tộc Pháp thế kỷ 18, nổi tiếng nhất là Hameau de Chantilly trong khu vườn của cung điện Élysée. Ngôi làng nhỏ được mô phỏng theo một trang trại ở vùng Normandy, có bảy tòa nhà lợp mái tranh với vẻ ngoài mộc mạc, nhưng nội thất cực kỳ xa hoa, thường xuyên được sử dụng cho các buổi hòa nhạc, trò chơi và bữa tiệc linh đình. Nữ hoàng rất ấn tượng với Hameau de Chantilly và muốn có một nơi như thế cho riêng mình. Cuối cùng, ngôi làng của Nữ hoàng Marie hoàn thành vào năm 1786.

Ngôi làng của Nữ hoàng nhìn từ trên cao. Ảnh: Noblesse & Royautés.
Ngôi làng của Nữ hoàng nhìn từ trên cao. Ảnh: Noblesse & Royautés.

Nơi đây có một đồng cỏ rộng lớn với hồ nước và một dòng suối bao quanh, Ngôi đền Tình yêu cổ kính trên một hòn đảo với những bụi cây và hoa thơm, một toá tháp bát giác mang tên Belvédère. Một loạt tòa nhà trong làng được xây dựng theo những phong cách khác nhau, mỗi căn có một chức năng cụ thể và nằm giữa vườn cây. Ngôi nhà lớn nhất và nổi tiếng nhất trong số đó là Nhà của Nữ hoàng, được kết nối với phòng chơi bida bằng một hành lang gỗ.

Nữ hoàng thực sự biến ngôi làng thành một nơi để đi dạo thư giãn, hoặc tổ chức những cuộc tụ họp nhỏ. Thực tế, nơi đây còn có một trang trại mà Nữ hoàng khẳng định nó có mục đích giáo dục cho những đứa trẻ của hoàng gia về thiên nhiên và động vật. Trang trại có một con bò sữa, một đàn cừu, một chuồng chim bồ câu, một nhà kho, và một xưởng máy. 

Marie Antoinette và bạn bè sẽ hóa trang thành những cô thôn nữ chăn cừu hoặc vắt sữa bò, đi lang thang quanh thôn giả vờ là nông dân. Thực tế vẫn họ vẫn có đầy đủ tiện nghi của lối sống hoàng gia. Một nhóm nông dân thực sự được Nữ hoàng chỉ định chăm sóc trang trại và vật nuôi, trồng trọt cây trái và rau củ phục vụ các bữa ăn. Đôi khi Marie Antoinette tự tay vắt sữa bò và cừu để cảm nhận hương vị của cuộc sống thôn quê đích thực.

Marie Antoinette rất tự hào về hameau của mình, một nhà sử học thế kỷ XIX đã ghi lại rằng: “Nữ hoàng sẽ mời nhà vua và gia đình hoàng gia đến các bữa tiệc ở ngôi làng. Ở đó, tại một chiếc bàn đặt dưới tán cây kim ngân, đích thân Nữ Hoàng sẽ rót cà phê cho mọi người, tự hào khoe khoang về kem bông ngậy đến thế nào, trứng tươi ra sao, hương vị ngọt ngào của dâu tây… như những bằng chứng rõ ràng nhất cho kỹ năng chăm sóc ngôi làng của bà”.

The Mill, một công trình tại làng  Hameau de la Reine. Nó không có chức năng gì ngoài mục đích trang trí. Ảnh: Alex Drop/Flickr.
The Mill, một xưởng máy trong làng Hameau de la Reine, không có chức năng gì ngoài mục đích trang trí. Ảnh: Alex Drop/Flickr.

Bao quanh ngôi làng là hệ thống hàng rào và tường ngăn kiên cố, chỉ có những người thân thiết với Nữ hoàng mới được phép vào trong. Điều này khiến người dân đồn đoán rằng Nữ hoàng Marie đặt ngôi làng làm một điểm hẹn bí mật với giới quý tộc. Khi Cách mạng Pháp nổ ra, Marie Antoinette bị buộc tội làm cạn kiệt tài sản quốc gia khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng, tài chính khủng hoảng. Bà bị hành quyết vào ngày 16/10/1793. Một số học giả cho rằng Marie Antoinette và lối sống phù phiếm của bà là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc Cách mạng Pháp, trong khi những học giả khác tin rằng Nữ hoàng đã bị đối xử bất công và dành cho bà thái độ cảm thông hơn trước những cáo buộc bà phải gánh chịu.

Phần lớn làng Hameau de la Reine còn tồn tại đến ngày nay và được coi như minh chứng cho cuộc sống xa hoa của Nữ hoàng Marie, bởi nó ra đời giữa thời kỳ suy thoái của nước Pháp. Ngoài phần đã bị tổn hại nặng nề và phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh, thì những gì còn lại đã được cải tạo vào cuối những năm 1990 và mở cửa cho du khách đến tham quan du lịch. Những phần bị phá huỷ hoàn toàn cũng được phục dựng từ năm 2016-2018, và trở thành ngôi nhà của nhiều con vật do một tổ chức bảo vệ động vật chăm sóc.

Nội thất trong căn nhà của Nữ hoàng. Ảnh: EntMag.
Nội thất trong căn nhà của Nữ hoàng. Ảnh: EntMag.

Để đến thăm Hameau de la Reine, bạn cần mua vé để vào bên trong vườn Trianon của cung điện Grand Trianon, nằm về phía tây bắc Versailles. Giá vé là 12 Euro, du khách phải trả thêm 7 Euro nếu muốn tham quan nội thất của những toà nhà tại đây. Để đến Versailles từ Paris, bạn có thể đi tàu RER C từ bất kỳ nhà ga trung tâm nào trong thành phố, giá 3,7 Euro.

Nam Trần (Theo Amusing Planet) – Vnexpress

Tour cao cấp của công ty du lịch Tugo sẽ cho du khách trải nghiệm các dịch vụ như bay với hãng hàng không quốc gia hoặc hãng hàng không 5 sao, lưu trú tại khách sạn 4 – 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế, thưởng thức các bữa ăn đa dạng và phong phú, hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm, tận tâm với khách hàng, chi phí tour trọn gói và không phụ thu.