‘Ngoại giao khẩu trang’ của Trung Quốc thời COVID-19

Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng lại hình ảnh và trách nhiệm của một nước lớn thông qua các gói viện trợ thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang – mặt hàng đang khan hiếm toàn cầu.
Ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc thời COVID-19 - Ảnh 1.
Sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Thượng Hải, Trung Quốc – Ảnh: AFP

Trong vòng vài tuần sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, khẩu trang trở thành mặt hàng được săn lùng nhiều nhất. Việc đeo khẩu trang trở thành một phần của cuộc sống trong thời dịch.

Trên thực tế có lẽ Nhật Bản là quốc gia khởi xướng “ngoại giao khẩu trang”, song Trung Quốc lại là nước vận dụng thuần thục nhất. Trung Quốc đã gửi tới Iran 250.000 khẩu trang và 5.000 bộ kit xét nghiệm virus cùng những câu thơ của nhà thơ Ba Tư lừng lẫy Saadi Shirazi thời Trung Cổ – hệt như cách Nhật Bản đã làm với Trung Quốc.

200 triệu khẩu trang/ngày

Năng lực sản xuất khẩu trang của Trung Quốc hiện đã tăng lên 110 triệu chiếc mỗi ngày, gấp hơn 5 lần so với 20 triệu chiếc/ngày hồi đầu tháng 3, theo Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tính toán của Đài NPR (Mỹ), năng lực thực tế có thể lên tới 200 triệu chiếc mỗi ngày.

Rất nhiều cái tên mới đã xuất hiện trong ngành sản xuất khẩu trang của Trung Quốc, từ nhà sản xuất ôtô BYD, nhà sản xuất và lắp ráp cho Apple Foxconn đến Tập đoàn dầu khí Sinopec.

Chẳng hạn dây chuyền sản xuất khẩu trang vừa mới hoàn thành ở Thâm Quyến của BYD được xem là lớn nhất thế giới và có thể cho ra 5 triệu khẩu trang mỗi ngày.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc liên tục phát đi thông điệp rằng Trung Quốc có thể kiểm soát được dịch bệnh và kêu gọi các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại với công dân Trung Quốc. Theo thống kê của Hãng tin Reuters, khoảng 400 cuộc phỏng vấn cùng 300 bài báo đã được xuất bản xoay quanh thông điệp này.

Cùng với đó, quyên góp thiết bị y tế đã được Bắc Kinh biến thành chiến lược xoa dịu lòng người sau các chỉ trích quốc tế nói rằng Trung Quốc đã che giấu dịch lúc đầu, khiến tình hình về sau thêm trầm trọng.

Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc đang cố gắng cho thế giới thấy tình hữu nghị giữa các nước có thể được thể hiện trong cả lĩnh vực y tế, tương tự như “ngoại giao gấu trúc” mà nước này từng làm.

Ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc thời COVID-19 - Ảnh 2.
Người già Hong Kong chờ nhận khẩu trang miễn phí – Ảnh: REUTERS

Ý đồ chính trị núp bóng?

Sáng kiến “Vành đai – con đường” của Trung Quốc từ lâu đã bị phương Tây chỉ trích là chính sách “ngoại giao bẫy nợ”, đẩy các nước nghèo vào cảnh túng quẫn phải giao lại các dự án chiến lược cho Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng này đã khôn khéo mượn tình hình dịch COVID-19 để bảo vệ di sản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông nói về sự cần thiết phải có “Con đường tơ lụa chăm sóc sức khỏe” toàn cầu, tương tự như “Vành đai – con đường”.

Nói như báo New York Times, dịch COVID-19 một lần nữa cho thấy lợi ích của Trung Quốc khi trở thành nhà của các công ty cung ứng toàn cầu. Có người ví von “khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới cũng lao đao”.

Điều này không ngoa, bởi theo New York Times, khi Trung Quốc hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, cả thế giới đã biết thiếu Trung Quốc sẽ đồng nghĩa không có gì để che mặt trong thời dịch.

Công ty 3M thừa nhận các khẩu trang nổi tiếng của hãng được sản xuất tại nhà máy Trung Quốc chỉ được bán trong nội địa, không được xuất khẩu. Một quan chức khác ở Medicom của Canada cũng xác nhận tương tự.

Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một bài xã luận đã phản bác luận điểm của một số tờ báo phương Tây rằng “ngoại giao mặt nạ” thực chất là trò chơi thưởng phạt của Trung Quốc.

Tờ này nhấn mạnh việc Trung Quốc viện trợ là sự đền đáp nghĩa cử của các nước trong lúc Bắc Kinh gặp khó khăn. Chẳng hạn Iran đã giúp Trung Quốc 3 triệu khẩu trang trước khi chính nước này trở thành tâm dịch của Trung Đông.

Theo DUY LINH – Tuổi Trẻ