Nghiên cứu xác định độ tuổi chính xác của vũ trụ

Nhằm tìm hiểu tuổi thực của vũ trụ, các nhà khoa học xem xét các quan sát và đưa ra ước tính mới là 13,77 tỷ năm với khoảng chênh lệch là 40 triệu năm.
Một số thiên hà trong vũ trụ. Ảnh: NASA.
Một số thiên hà trong vũ trụ. Ảnh: NASA.

Năm 2019, các nhà khoa học nghiên cứu chuyển động của thiên hà kết luận vũ trụ trẻ hơn hàng trăm triệu năm tuổi so với ước tính của Planck Collaboration, nhóm chuyên gia làm việc trong nhiệm vụ Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Sử dụng dữ liệu từ đài quan sát không gian Planck, họ tính toán vũ trụ khoảng 13,8 tỷ năm tuổi.

Tuy nhiên, nhóm nhà thiên văn học quốc tế đứng đầu là Đại học Cornell ở Mỹ sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng vũ trụ học Atacama (ACT) ở Chile của Quỹ Khoa học Quốc gia và hình học vũ trụ để rút ra ước tính mới là 13,77 tỷ năm, trùng khớp với ước tính của Planck Collaboration, theo Simone Aiola, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Vật lý Thiên văn Vi tính của Viện Flatiron ở New York. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 30/12/2020 trên tạp chí Cosmology and Astroparticle Physics.

Thông qua xác định độ tuổi vũ trụ, nhóm nghiên cứu cũng có thể ước tính vũ trụ mở rộng nhanh tới mức nào. Với ACT, họ tính toán hằng số Hubble là 67,6 km/s đối với mỗi megaparsec. Nói cách khác, một vật thể cách Trái Đất 3,26 triệu năm ánh sáng (bằng 1 megaparsec) sẽ di chuyển ra xa Trái Đất với tốc độ 67.6 km/s. Kết quả này rất gần với con số 67,4 km/s với mỗi megaparsec theo ước tính trước đó của nhóm Planck.

“Chúng tôi nhận thấy tốc độ mở rộng phù hợp với ước tính của nhóm Planck. Điều này giúp chúng tôi có thêm tự tin trong việc đo đạc ánh sáng cổ nhất vũ trụ”, Steve Choi, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Vật lý Thiên văn và Khoa học hành tinh Cornell, cho biết.

An Khang (Theo Space) – Vnexpress