Ngày 8/1, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tổ chức lựa chọn Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Để có đủ tài liệu cung cấp cho đơn vị tư vấn, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung phương án chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi cho dự án đường sắt tốc độ cao, đề xuất đầu tư tuyến mới với tốc độ chạy tàu 350 km/h; phương án này có khối lượng giải phóng mặt bằng không lớn và giúp rút ngắn chiều dài tuyến để giảm khối lượng xây dựng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá phương án tốc độ chạy tàu 350 km/h chỉ khai thác tàu khách mà không khai thác tàu hàng. Ngoài ra, báo cáo chưa so sánh với phương án tốc độ chạy tàu 200 km/h trên tuyến đường mới.
Chuyên gia đường sắt, GS.TS Lã Ngọc Khuê cũng đề nghị nghiên cứu đường sắt tốc độ dưới 200 km/h bởi đường sắt cao tốc 350 km/h là đẳng cấp cao nhất của thế giới, cả về hạ tầng và phương tiện. Ông cho rằng tiềm lực của đất nước chưa thể làm ra công nghệ vận hành đường sắt cao tốc, gây nên chi phí tốn kém trong quá trình xây dựng, phải lệ thuộc hoàn toàn các đối tác nước ngoài.
Lựa chọn dải tốc độ vận hành giới hạn ở mức 200 km/h, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ có một đẳng cấp kỹ thuật vừa tầm, đảm bảo rút ngắn thời gian triển khai dự án, giải tỏa áp lực vận tải hành khách và hàng hóa trên trục chiến lược Bắc Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được nghiên cứu trong phạm vi 20 tỉnh/thành dọc từ Hà Nội vào TP HCM. Với phương án tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, thời gian chạy tàu từ Hà Nội – TP HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỷ đồng (58,7 tỷ USD).
Ngày 30/10/2020, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; yêu cầu các cơ quan nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến chuyên gia, tư vấn, nhà khoa học; so sánh để lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, suất đầu tư, huy động vốn.
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được coi là xương sống của chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đoàn Loan – Vnexpress