Với mỗi tháng có 5 – 7 sự kiện, giới làm Blockchain đang cố gắng thay đổi những hiểu biết mơ hồ, có khi sai lệch của các doanh nghiệp.
Nhộn nhịp hoạt động
Hôm 6/11, chuỗi sự kiện Blockchain Innovation Tour (BIT) vừa được tổ chức tại TP HCM. Việt Nam chính là địa điểm thứ hai tại Đông Nam Á sau Malaysia mà BIT dừng chân trong suốt nửa đầu tháng này.
Hàng loạt doanh nghiệp Blockchain, chủ yếu từ Singapore, tranh thủ giới thiệu những ứng dụng mới trong các lĩnh vực như y tế, tài chính vi mô, phân phối phi tập trung… đến khách mời. Ông Ken Nizam – Nhà sáng lập BIT kiêm Giám đốc điều hành Block Asia nói nhu cầu kết nối giữa các dự án dùng công nghệ này và nhà đầu tư tại Đông Nam Á khá cao.
“Chúng tôi nhìn nhận khu vực này như một thị trường mới nổi trong thị trường Blockchain. Ngày càng có nhiều cộng đồng Blockchain tại các nước đang phát triển và mong muốn được tiếp xúc với các dự án tiềm năng khác nhau từ khắp nơi trên thế giới”, ông Ken Nizam nói.
Cũng cùng thời điểm BIT đang diễn ra, một tour về Blockchain khác có nguồn gốc châu Âu cũng công bố đến Việt Nam sau các chặng tại Indonesia, Hong Kong, Nhật Bản, Đài Loan, Anh và Thuỵ Sĩ. Có tên Blockchain for SDGs Tour/ Summit, sự kiện sẽ được tổ chức tầm cuối tháng này bởi European Blockchain HUB (EUBC HUB), quỹ Startup Vietnam Foundation (SVF) và Getlinks.
Sự kiện thường niên của cộng đồng phát triển web – Vietnam Web Summit 2018 diễn ra đầu tháng sau là ví dụ khác. Ban tổ chức cho biết, hai công nghệ “thời thượng” là trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain) là đề tài không thể bỏ qua. Chuyên gia Terry O’Hearn của Canada lạc quan dự báo trong 10 năm tới sẽ có 30 triệu người sử dụng Blockchain ở Việt Nam.
Bà Đoàn Kiều My – Đại diện EUBC HUB tại Việt Nam nói rằng, trong 3 tháng qua, trung bình mỗi tháng có 5 – 7 sự kiện liên quan đến Blockchain diễn ra.
“Công nghệ Blockchain từ 2 năm trở lại đây đã trở thành đề tài thảo luận nổi bật tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các sự kiện đã tổ chức đều chỉ tập trung nói về những khái niệm bao quát chứ chưa đưa ra được những minh chứng cụ thể về hiệu quả khi áp dụng vào đời sống thực tế từ các nước trên thế giới”, bà My tuyên bố sự kiện tới sẽ chỉ trình bày những giải pháp đã triển khai hiệu quả trong các ngành kinh tế chứ không bàn về các đề tài chưa rõ ràng hay chưa được pháp luật Việt Nam công nhận như tiền mã hóa.
Mơ hồ nhận thức
Không kể các hoạt động xoay quanh tiền ảo, nhà tổ chức những sự kiện bàn về ứng dụng của Blockchain cho biết, những nỗ lực đã và đang diễn ra chỉ là bước đầu, nhằm tăng hiểu biết về công nghệ mới, vốn đang còn rất mơ hồ với đại đa số doanh nghiệp Việt hoặc bị thiếu thiện cảm vì hiểu lầm Blockchain là tiền ảo.
Nghiên cứu của Infinity Blockchain Labs kết luận, 5 thách thức cơ bản của ngành công nghiệp Blockchain tại Việt Nam bao gồm: nhận thức yếu, giáo dục chưa đủ, rào cản pháp luật, hệ sinh thái chưa có và công nghệ còn non trẻ. Trong đó, yếu tố nhận thức chiếm 15%, cao nhất là rào cản pháp luật với 37%.
“Chúng tôi ra ngoài truyền thông về sản phẩm dù đã có sự chuẩn bị lâu dài nhưng vẫn có gặp những nhận định đánh đồng giữa Blockchain và tiền mã hóa”, ông Trần Duy Công – Trưởng phòng Tiếp thị doanh nghiệp của Infinity Blockchain Labs kể về những khó khăn khi tiếp cận thị trường.
Ông Kimble Ngo – Giám đốc NEM Việt Nam kiêm Cố vấn tại AMblockchain nói giới làm Blockchain kỳ vọng cộng đồng phân biệt giữa công nghệ này và tiền ảo. “Bỏ qua phần tiền ảo thì Blockchain có thể giúp doanh nghiệp phát triển tốt ứng dụng vào mảng dữ liệu cá nhân hay nông nghiệp…”, ông Kimble Ngo phân trần.
Chuyên gia này cho biết, Blockchain tại Việt Nam đang có hai nhánh. Thứ nhất là gia công các giải pháp về sản xuất trên nền công nghệ này cho các khách hàng nước ngoài từ Mỹ, Australia, Singapore… Thứ hai, thị trường nội địa đang nghiên cứu ứng dụng nó trong nông nghiệp, thực phẩm hay chính phủ điện tử.
Theo các số liệu do Infinity Blockchain Labs tổng hợp, tính đến tháng 8/2018, đã có hơn 430.000 dự án mã nguồn mở và 800 startup trên thế giới hoạt động trên nền tảng Blockchain. Riêng ngành công nghiệp tài chính – thanh toán, Blockchain dự đoán sẽ mang lại giá trị kinh tế 20,3 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Trần Duy Công đánh giá Blockchain hiện tại vẫn là giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, điều may mắn là Blockchain ở Việt Nam đang cùng xuất phát điểm với thế giới. Ông Công tin rằng, trong tương lai, khi những chính phủ, tập đoàn, công ty đã dùng Blockchain thì nhu cầu kết nối sẽ hình thành trên thế giới. Blockchain là công nghệ chuỗi khối. Lợi ích của nó được mở rộng nếu nó kết nối với chuỗi khối khác.
“Cứ tưởng tượng tất cả quốc gia châu Âu đều có chuỗi khối thì những nước nào chưa có, cuối cùng cũng phải tham gia. Nếu nền tảng thông tin của họ không tích hợp Blockchain được thì họ không kết nối được với thế giới”, ông Công hy vọng cùng với sự hiểu đúng của doanh nghiệp, các quy định pháp lý cụ thể cho công nghệ này sẽ sớm ban hành, giúp Việt Nam giữ nhịp đúng như xu hướng thế giới.
Viễn Thông