Ngân hàng giúp doanh nghiệp để tự cứu mình

Với việc Covid-19 có thể khiến một triệu tỷ đồng dư nợ toàn hệ thống thành nợ xấu, các ngân hàng cũng hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp còn là tự cứu mình. 

Tính đến 4/3, ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 nhà băng, tương đương 11% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19, theo Vụ trưởng Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng.

Báo cáo phát hành ngày 2/3 của Moody’s nhận định, chất lượng tài sản trong các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp rủi ro vì Covid-19. Nếu dịch bệnh kéo dài, nợ xấu trong khu vực sản xuất kinh doanh, thương mại và một số lĩnh vực khác theo đó sẽ tăng lên, do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì vậy, việc bơm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là giải pháp kịp thời trước mắt, vừa giúp doanh nghiệp vừa giúp ngân hàng. Chủ tịch một ngân hàng quốc doanh thừa nhận với : “Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là ngân hàng tự giúp chính mình”. 

BIDV, ngân hàng vừa họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 7/3 cho biết, huy động vốn tính đến hết tháng 2 cũng giảm 1,6%, dư nợ tín dụng giảm gần 2%. Chủ tịch Phan Đức Tú cho biết điều này do ảnh hưởng kép của tính thời vụ đầu năm cùng với tác động rất mạnh của dịch bệnh tới cung, cầu, doanh nghiệp, hành vi thói quen của người dân làm ảnh hưởng tới hoạt động của ngành ngân hàng. 

Ông Tú cho rằng mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm trong kịch bản dịch bệnh kết thúc vào tháng 3 trở nên khó khăn, vì vậy ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu cần thiết.

Với VietinBank, theo chia sẻ của một lãnh đạo cấp cao, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng “nằm trong mức bình quân của toàn ngành”, tuy nhiên vì sự phức tạp của dịch bệnh, “mức độ vẫn chưa lường được hết”.

Từ giữa tháng 2, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết nhà băng phải hy sinh ít nhất 300-450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng. Ngân hàng cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng nếu cần thiết, phụ thuộc nhu cầu nền kinh tế và kịch bản tăng trưởng GDP.

Giao dịch tại một ngân hàng trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: VPBank. 
Giao dịch tại ngân hàng thời Covid-19. Ảnh: VPBank. 

Các khoản nợ bị ảnh hưởng Covid-19, có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ trả nợ từ ngày 23/1 đến ngày 31/3 sẽ được cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm giữ nguyên nhóm nợ, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành cũng đang gấp rút ban hành Thông tư để ngân hàng có bước đi cụ thể và đồng nhất hơn.

Theo chuyên gia Nguyễn Đức Độ, hành động này của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời, giúp nợ xấu không tăng vọt. Hơn nữa, nhà băng không mất chi phí trích lập dự phòng và vẫn có nguồn vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Trong khi chờ Thông tư mới ra đời nhằm giải ngân đúng chỗ gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, một số nhà băng cũng đang khá vất vả để xác định doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Hiện tại, các khoản nợ bị ảnh hưởng vẫn đang được phân loại tuỳ theo khẩu vị và tính toán của từng ngân hàng. Giám đốc quản trị rủi ro tín dụng của một nhà băng tư nhân cho hay, “vài phần trăm” dư nợ bị ảnh hưởng theo thống kê sơ bộ có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Ông cho biết cái khó là cần có tiêu chí phù hợp để việc tái cơ cấu cho đúng đối tượng. Việc xác định ảnh hưởng lên những doanh nghiệp khách sạn, du lịch không khó, nhưng những ngành như may mặc, ngành sắt thép… không dễ để ước tính ngay. Hơn nữa, một số khách hàng có khó khăn nhưng nếu có điều kiện, tỷ lệ vay vốn ít thì ngân hàng cũng nên động viên họ để tự khắc phục.

Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch BIDV – ngân hàng đã tham gia hỗ trợ được 28.000 tỷ đồng trong gói 250.000 tỷ, cũng chia sẻ rất khó thống kê chính xác số dư nợ bị ảnh hưởng ở hiện tại. Tuy nhiên, nếu tính tổng dư nợ các ngành có khả năng bị ảnh hưởng như du lịch, xuất khẩu, nông nghiệp…. của BIDV thì khoảng 140.000 tỷ đồng. Còn trên thực tế, các doanh nghiệp có mức độ ảnh hưởng khác nhau. 

Quỳnh Trang – Vnexpress