Một trong những người đầu tiên sử dụng cụm từ kể trên là bà Karren Brady – phó chủ tịch CLB West Ham.
Trước khi ban tổ chức (BTC) Premier League tổ chức cuộc họp với các đại diện CLB hồi giữa tháng 3, bà Brady đã kêu gọi phương án vô hiệu hóa mùa giải này. Điều này đồng nghĩa với việc hủy bỏ toàn bộ kết quả mùa 2019-2020 và để mùa giải
2020-2021 bắt đầu với kết quả theo sau mùa 2018-2019.
Kể từ đó, cụm từ “vô hiệu” tràn lan trên các mặt báo phương Tây. Đó dường như là phương án khả thi nhất lúc này dành cho các giải đấu châu Âu, với một vài biến chuyển được đưa ra như: trao chức vô địch cho Liverpool, hay mở rộng phạm vi giải lên 22 đội vào mùa sau để đón các đội lên hạng…
Nhưng cũng rất nhanh chóng, thông tin về việc đền bù hợp đồng truyền hình được đưa ra. Nếu hủy bỏ phần còn lại của mùa giải, các CLB ở Premier League sẽ mất khoảng 1/4 tổng giá trị bản quyền truyền hình mùa này với con số lên đến 750 triệu bảng.
Theo đó, mỗi đội sẽ thiệt hại ít nhất 30 triệu bảng. Chưa kể họ sẽ còn tổn thất thêm nhiều khoản chi phí liên quan đến quảng cáo, bán vé…
Điều đó có lẽ đã khiến BTC Premier League quyết định siết chặt quyền… tự do ngôn luận của các đội bóng. Các đội bóng được yêu cầu sử dụng từ “curtail” (rút ngắn) thay vì “null and void” để thảo luận về tương lai phần còn lại của mùa giải.
Ở một góc độ nào đó, điều này có thể giúp BTC Premier League dễ dàng đàm phán với các đài truyền hình về việc đền bù hợp đồng. Chuyện rút ngắn mùa giải là điều bất khả kháng vì dịch bệnh.
Đến thời điểm này, những người điều hành Premier League vẫn chưa lên tiếng về nguy cơ hủy bỏ mùa giải. Một phương án được báo Metro của Anh tiết lộ, đó là 20 CLB ở Premier League sẽ tập trung về một nơi và tổ chức thi đấu 92 trận đấu cuối cùng của mùa giải trong vòng tháng 6.
Các sân bóng tuy không có khán giả nhưng vẫn được truyền hình trực tiếp. Còn các cầu thủ, ban huấn luyện được cách ly trong khu tập luyện và xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo không có ai nhiễm virus.
Metro còn tiết lộ BTC giải sẽ mở rộng phạm vi đăng ký cầu thủ của mỗi đội từ 25 lên 30. Các cầu thủ trẻ được đôn lên đội một để các đội bóng có đủ lực lượng sau khi mất một số trụ cột vì nhiễm virus.
Nhưng phương án này ngay lập tức vấp phải nhiều chỉ trích. Daily Mail cho biết nhiều cầu thủ cùng người hâm mộ rất phẫn nộ với quan điểm của BTC giải, cho rằng họ xem trọng tiền bạc hơn sức khỏe cầu thủ. Bởi ngoài nguy cơ nhiễm virus khi bị cách ly tập trung, các cầu thủ có thể cũng gặp khó khăn nếu chấn thương, bệnh tật trong khoảng thời gian này.
Trong khi đó, tờ Guardian khẳng định nhiều đại diện cầu thủ hiện đang làm việc với các hãng bảo hiểm để bàn về rủi ro nhiễm bệnh ở thời điểm này.
Nhiều khả năng các hãng bảo hiểm sẽ từ chối trả tiền trong trường hợp này, bởi giải đấu vẫn tổ chức khi nhận thức đầy đủ các rủi ro có thể xảy đến. Thông tin này càng củng cố lập trường ủng hộ hủy giải mà nhiều người kêu gọi.
Ngày 3-4, BTC Giải ngoại hạng Anh tiếp tục tổ chức một cuộc họp với các đại diện CLB. Nhưng với vô số sức ép từ nhiều phía hiện tại, đó chắc chắn chưa phải là cuộc họp cuối cùng.
Vô số nỗi lo
Một vấn đề khác trong việc tiếp diễn mùa giải là hợp đồng của các cầu thủ thường mãn hạn vào ngày 30-6.
Nếu mùa giải kéo dài qua ngày này, nhiều CLB sẽ mất một số cầu thủ hết hợp đồng và hiện vẫn chưa có phương án nào để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, nó còn liên quan đến thị trường chuyển nhượng của bóng đá châu Âu.
Mặt khác, trong trường hợp các trận đấu còn lại diễn ra trong sân không có khán giả, các đội bóng chắc chắn phải hoàn tiền vé cho người hâm mộ.
Theo HUY ĐĂNG – Tuổi Trẻ