Ngày 6/1, TS Minh trả lời VnExpress về đề nghị quản lý giờ làm thêm của sinh viên làm xe ôm công nghệ.
– Vì sao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị quản lý việc làm thêm của sinh viên làm xe ôm công nghệ?
– Tôi cho rằng đây là việc hết sức cần thiết. Trong bất cứ xã hội nào, sinh viên luôn là nhóm tinh hoa trí thức trong xã hội. Chúng ta có xấp xỉ 100 triệu dân, nhưng chỉ có 1,8 triệu sinh viên, tức là dưới 2%. Đây là nhóm người có nền tảng kiến thức tốt, chỉ số thông minh cao, cơ hội phát triển tốt, khả năng giúp đỡ những người khác và đóng góp cho đất nước là rất lớn.
Để đạt được những tiềm năng này, sinh viên phải học tập, rèn luyện cả về kiến thức, kỹ năng, thể chất, tư tưởng đạo đức, lối sống. Muốn như vậy, học tập, rèn luyện phải là hoạt động chính. Làm thêm (nếu có) để có thêm kinh nghiệm, trải nghiệm hoặc tài chính chỉ là hoạt động phụ. Nếu để hoạt động phụ trở thành hoạt động chính thì những lợi ích tiềm năng rất lớn từ thế hệ sinh viên có thể bị ảnh hưởng, thậm chí mất hoàn toàn.
– Trước khi đưa ra đề xuất, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã khảo sát thế nào về số sinh viên làm xe ôm công nghệ?
– Hiện nay chưa có thống kê toàn diện về vấn đề này, nhưng chúng ta biết hiện tượng sinh viên làm thêm, trong đó có nghề làm tài xế công nghệ, khá nhiều, ảnh hưởng tới thời gian học tập. Báo chí đã phản ánh về việc này.
Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã giao các bộ ngành có liên quan thực hiện công việc cần thiết, trong đó có thống kê về số lượng sinh viên, thời gian làm việc, phân tích, đánh giá và đề xuất những giải pháp bổ sung quy định pháp luật đối với quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế công nghệ nói riêng và các công việc khác nói chung. Khi các bộ ngành thực hiện, những con số đánh giá cụ thể sẽ có.
– Theo ông, Việt Nam cần làm gì để quản lý việc làm thêm của sinh viên tham gia làm tái xế công nghệ nói riêng và các việc khác nói chung?
– Tôi cho rằng sinh viên làm việc gì không quan trọng, miễn là hợp pháp. Phần lớn quốc gia trên thế giới quản lý thời gian làm việc của sinh viên thông qua việc luật hóa số giờ làm việc tối đa. Mỗi quốc gia có thể khác nhau nhưng thường quanh ngưỡng 20 giờ một tuần.
Nền tảng quy định pháp luật là quan trọng nhất. Tất nhiên để quản lý hiệu quả, chúng ta cần xây dựng hệ dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số bảo hiểm, thông tin về địa chỉ và chia sẻ giữa các cơ quan có liên quan, đồng thời quy định cụ thể về việc sử dụng, khai thác thông tin này như thế nào trong quá trình tuyển dụng, trả lương, đóng bảo hiểm, đóng thuế. Đương nhiên, trường hợp làm sai sẽ bị xử lý.
Trên cơ sở quy định pháp luật, chúng ta tổ chức tuyên truyền rộng rãi để sinh viên, phụ huynh, doanh nghiệp biết quy định pháp luật và tuân thủ.
– Ông nghĩ sao khi sinh viên nói việc quản lý giờ làm thêm không khả thi, rồi các em sẽ nghĩ cách lách luật giống như du học sinh Việt ở Nhật Bản, Hàn Quốc?
– Việc quản lý giờ làm thêm hoàn toàn có thể thực hiện tại Việt Nam. Quốc hội mới thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), quy định cụ thể về giờ làm thêm. Trong các văn bản hướng dẫn thực hiện với sinh viên, cơ quan chức năng cần lưu ý vấn đề này.
Bên cạnh đó, tính khả thi, hiệu lực, kết quả của chính sách này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện. Nếu có quy định hợp lý và chặt chẽ, có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan tổ chức có liên quan và quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm được.
Thực tiễn cũng cho thấy quá trình làm thêm giúp sinh viên nâng cao kiến thức xã hội, sự tự tin và kỹ năng rất tốt, rèn luyện được sự chăm chỉ, vượt khó, tính kiên trì và cảm nhận giá trị cuộc sống. Đây là những lợi ích rất quý báu do công việc làm thêm mang lại.
Bởi vậy, điều quan trọng là sinh viên nhận thức ra những cái được và những cái phải đánh đổi trong làm thêm, qua đó chỉ làm thêm hợp lý, tập trung vào việc học tập rèn luyện. Tôi tin tưởng là mọi thứ sẽ ổn.
Ngày 30/12, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, về việc quản lý nền tảng kỹ thuật số được ứng dụng để kết nối kinh doanh vận tải. Chỉ đạo được đưa ra dựa trên đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, được gửi lên hôm 19/12.
Trong văn bản, Ủy ban đề nghị Phó thủ tướng xem xét chỉ đạo một số bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu bổ sung các quy định pháp luật đối với quản lý việc làm thêm của sinh viên khi tham gia làm tài xế công nghệ nói riêng và các việc khác nói chung.