Không ít bố mẹ có thói quen trách phạt con trước mặt bạn bè để con thấy xấu hổ. Lúc đó, con có thể im lặng, không dám phản kháng nhưng tâm hồn lại đang tổn thương nghiêm trọng.
Cậu bé Hạo Hạo (Trung Quốc) năm nay 6 tuổi. Vài ngày trước, Hạo Hạo bị mẹ phạt bằng roi trước mặt bạn bè. Lũ trẻ vây xung quanh, nhao nhao trêu chọc Hạo Hạo trong khi người mẹ oang oang kể tội rằng cậu bé chỉ được 68 điểm trong bài kiểm tra nhưng lại gian dối sửa thành 88 điểm. Hạo Hạo cúi gầm mặt, không nói lời nào và chỉ biết khóc.
Hạo Hạo vốn là một cậu bé ngoan ngoãn, luôn cúi chào người lớn từ xa. Thế nhưng từ sau hôm bị mẹ trách phạt, cậu bé luôn cúi thấp đầu, lặng lẽ bỏ trốn khi thấy người khác.
Hạo Hạo cũng không chơi với bạn bè xung quanh nữa. Có lẽ cậu bé không đủ dung khí để đối mặt với bạn bè, bởi mẹ đã khiến cậu bị mất mặt.
Hậu quả khi con bị tổn thương lòng tự trọng
Một bà mẹ người Trung Quốc chia sẻ: “Con trai tôi là một thằng bé khôi ngô nhưng lại rất lười học. Nó toàn chạy đi chơi với lũ bạn trong khu và mỗi khi thấy mẹ gọi về sẽ trốn. Một trong những “mẹo” của tôi chính là nói to lên: “Hiên Hiên, nếu con không chịu về nhà, mẹ sẽ trách mắng con trước mắt bạn bè đấy”. Thằng bé sẽ ngay lập tức chạy về ôm mẹ. Mẹo này được tôi áp dụng trong nhiều năm”.
Dù việc đe dọa làm tổn thương lòng tự trọng của con không hay ho chút nào nhưng điều đó cho thấy, lòng tự trọng là thứ rất quan trọng với đứa trẻ. Một câu chuyện đau lòng khác cũng là minh chứng rõ ràng cho điều này.
Theo đó, một gia đình tri thức ở Trung Quốc, bố mẹ đều là người giỏi giang có vai vế trong xã hội. Khi đứa con tốt nghiệp cấp 3, cả nhà đều kỳ vọng đứa trẻ có thể đỗ Đại học Thanh Hoa – Đại học top 1 Trung Quốc.
Thế nhưng đứa trẻ không đỗ. Thay vì động viên con, đôi vợ chồng tri thức này lại ngày đêm mắng mỏ, chì chiết, so sánh con với những đứa trẻ giỏi giang hơn.
Sau một thời gian dài chịu đựng, đứa trẻ đã nhảy từ cửa sổ phòng xuống tự tử, để lại mẩu giấy: “Con xin lỗi đã không thể đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ”. Đến lúc này, cha mẹ mới ân hận thì đã quá muộn.
Một cuộc khảo sát với nội dung “Điều gì khiến trẻ em sợ nhất” cũng chỉ ra, trẻ sợ nhất bị mất mặt và bị so sánh với những bạn bè đồng trang lứa.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại không nhận ra điều này. Không ít người vô tâm mang con ra so sánh với những đứa trẻ khác, hay công khai trách mắng con ở nơi công cộng.
Điều này vô tình tạo một bóng phủ lên tâm lý đứa trẻ suốt đời, khiến chúng trở nên sợ hãi, thiếu tự tin, không dám nhìn thẳng vào ai.
Theo nhà giáo dục đương đại nổi tiếng người Trung Quốc Hàn Phượng Trân, tất cả những đứa trẻ khó giáo dục nhất là những đứa trẻ mất đi lòng tự trọng. Bố mẹ với vai trò là nhà giáo dục đầu tiên của con phải làm mọi cách để bảo vệ điều quý nhất của con, chính là lòng tự trọng chứ không phải gián tiếp phá hủy nó.
Trên thực tế, trẻ bị tổn thương lòng tự trọng có thể gặp phải hai trường hợp. Một là ngày càng bất trị, không tuân thủ kỷ luật, vượt ra khỏi quy tắc, khuôn khổ, thậm chí bất chấp pháp luật. Hai là sẽ trở nên yếu đuối, hèn nhát, lúc nào cũng sợ hãi mọi thứ xung quanh.
Dù là trường hợp nào đi chăng nữa thì đây chắc chắn không phải điều bố mẹ mong muốn. Muốn chữa lành vết thương tinh thần cho con, bố mẹ sẽ phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí cả một đời.
Bố mẹ cần làm gì để bảo vệ lòng tự trọng của con?
Theo Tiến sĩ, chuyên gia Tâm lý học trẻ em người Mỹ James Dobson: “Khiến trẻ mất đi lòng tự trọng thì dễ nhưng định hình lại lòng cho trẻ thì khó khăn vô cùng”.
Theo đó, để bảo vệ lòng tự trọng của con, bố mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều quan trọng sau:
Không mắng mỏ, trách phạt con ở nơi công cộng
Bị mắng mỏ ở nơi công cộng sẽ khiến con cảm thấy xấu hổ, tự ti, thậm chí thất vọng và mất đi sự tin tưởng vào bố mẹ. Con cũng có thể bị trầm cảm bởi những tổn thương về mặt tinh thần.
Cách dạy dỗ đúng nhất là bố mẹ nói chuyện riêng với con, phân tích rõ ràng cái đúng, cái sai. Nếu con mắc lỗi ở nơi công cộng, bố mẹ lập tức dẫn con ra khỏi nơi đó rồi mới trách mắng sau. Quát mắng trước mặt người ngoài đôi khi có thể khiến con kích động thêm.
Tuyệt đối không nói những lời cay nghiệt với con
Khi con hư, nhiều bậc cha mẹ không giữ được bình tĩnh và dùng những lời lẽ cay nghiệt để tác động đến con.
Con lúc đó có thể im lặng chịu trận nhưng sâu bên trong, con đang bị tổn thương sâu sắc. Không chỉ vậy, con còn nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình.
Trong mọi tình huống, bố mẹ cần bình tĩnh nhất có thể và đừng bao giờ trút những cảm xúc nhất thời của mình lên con cái. Bạo hành bằng lời nói đôi khi để lại hậu quả tiêu cực hơn nhiều so với bạo hành bằng đòn roi.
Hãy chấp nhận sự không hoàn hảo của con
Điều quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, chính là khuyến khích con trở nên tốt nhất.
Không phải đứa trẻ nào cũng giỏi như nhau. Có trẻ mạnh về học tập, có trẻ lại mạnh về thể thao. Và điều bố mẹ cần làm là đừng bao giờ so sánh điểm thiếu sót của con với điểm mạnh của đứa trẻ khác.
Ngược lại, bố mẹ cần khám phá những điểm mạng của con và khuyến khích chúng phát huy tiềm năng của mình.
Theo Helino – Afamily