Myanmar ‘như chiến trường’

Myanmar được miêu tả “giống như chiến trường” sau khi cảnh sát nước này hôm nay dùng bạo lực trấn áp biểu tình, khiến ít nhất 18 người chết.

Cảnh sát đã sử dụng đạn thật, lựu đạn choáng và hơi cay với người biểu tình tại một số thành phố, thị trấn của Myanmar. Theo văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh. Những trường hợp tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông ở Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.

Tại Yangon, một phụ nữ thiệt mạng sau khi cảnh sát sử dụng lựu đạn gây choáng để giải tán cuộc biểu tình của các giáo viên, tuy nhiên nguyên nhân dẫn tới cái chết hiện chưa rõ, Reuters đưa tin. Một người đàn ông 23 tuổi cũng bị bắn chết.

Người biểu tình che chắn khi đụng độ với cảnh sát ở Yangon, Myanmar, ngày 28/2. Ảnh: Reuters.
Người biểu tình che chắn khi đụng độ với cảnh sát ở Yangon, Myanmar, ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

“Cảnh sát tiếp cận và súng của họ đã sẵn sàng. Chúng tôi không nghĩ họ sẽ bắn thật”, Ye Swan Htet, cháu họ nạn nhân 23 tuổi, nói với Guardian. Cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, đám đông chỉ hát và vỗ tay. “Đó là tất cả những gì chúng tôi làm. Và rồi họ nổ súng”, anh kể.

“Myanmar giống như chiến trường”, Charles Maung Bo, Hồng y Công giáo đầu tiên tại nước này, viết trên Twitter. Ông đồng thời chia sẻ bức ảnh cho thấy một nữ tu ở tỉnh Kachin, phía bắc Myanmar, đã quỳ gối trước hàng ngũ cảnh sát, cầu xin họ kiềm chế.

Đạn thật được sử dụng tại nhiều nơi ở Yangon, bao gồm cả Hledan Junction, một điểm tập trung của những người biểu tình, sau khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông bằng hơi cay và lựu đạn choáng.

Nhiều người biểu tình đeo khẩu trang, dùng khăn che kín mũi, đội mũ và mang kính bảo hộ để tự vệ sau những phản ứng ngày càng dữ dội từ phía cảnh sát vào hôm qua. Theo kênh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV, hơn 470 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình ngày 27/2. Hiện chưa rõ bao nhiều người bị bắt hôm nay.

“Họ bắn dân thường… Đây thực sự là tội ác”, một nhân viên y tế chuyển người bị thương tới Bệnh viện Đa khoa Yangon nói. Một số nạn nhân đang được điều trị những vết thương nghiêm trọng do trúng đạn. “Nhiều người còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 tuổi”, anh cho biết thêm.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự và yêu cầu khôi phục nền dân chủ tại Myanmar đã bước sang tuần thứ tư, với mức độ bạo lực trong các vụ đụng độ không ngừng leo thang.

Myanmar như chiến trường
Cảnh sát đụng độ người biểu tình Myanmar.
   

Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội bắt ngày 1/2 trong một cuộc đảo chính chóng vánh. Bà sau đó bị cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai. Suu Kyi hiện bị giam ở một địa điểm “bí mật”.

Mỹ, Anh cùng một số quốc gia và tổ chức kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền quân sự Myanmar cùng các đối tác kinh doanh của họ. Quân đội Myanmar cam kết tổ chức một cuộc bầu cử mới và khẳng định sẽ trao lại quyền cho bên chiến thắng.

Vũ Hoàng (Theo Guardian) – Vnexpress