Myanmar ghi nhận 2 ca COVID-19 đầu tiên

Myanmar ghi nhận 2 ca đầu tiên dương tính với virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Như vậy, Lào là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không có ca nhiễm tính tới nay.
Myanmar ghi nhận 2 ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 1.
Các nhân viên kiểm tra thân nhiệt tại một địa điểm nhập cảnh ở thị trấn Myawaddy của Myanmar, gần biên giới với Thái Lan ngày 23-3 – Ảnh: AFP

Trong thông báo đăng trên Facebook vào rạng sáng 24-3, Bộ Y tế và thể thao Myanmar cho hay nước này vừa ghi nhận 2 ca dương tính với virus corona chủng mới đầu tiên. Hai ca đều là người Myanmar, nam, gần đây có đi nước ngoài.

Cụ thể, bệnh nhân đầu tiên 36 tuổi, gần đây đi từ Mỹ về lại bang Chin. Người này bị sốt hôm 19-3 và sau đó được chuyển tới bệnh viện cách ly ngày 21-3. Ông được xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới ngày 23-3.

Bệnh nhân thứ 26 tuổi, gần đây đi từ Vương quốc Anh về lại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, hôm 22-3. Mặc dù không bị sốt hay có các triệu chứng khác, kết quả xét nghiệm ngày 23-3 cũng cho thấy người này dương tính.

“Chúng tôi sẽ điều tra tất cả những người đã tiếp xúc gần với hai người này” – thông báo của Myanmar cho biết. Tính đến cuối hôm 23-3, mới chỉ 214 người được xét nghiệm COVID-19 ở Myanmar, theo Hãng tin AFP.

Như vậy, tại khu vực Đông Nam Á, chỉ còn Lào là quốc gia duy nhất không ghi nhận ca bệnh COVID-19 nào. Còn Malaysia là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực, với 1.518 ca nhiễm và 14 ca tử vong do COVID-19.

Myanmar ghi nhận 2 ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 2.
Thông báo về 2 ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên tài khoản Facebook của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar – Ảnh chụp màn hình

Trước khi ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên trên, Myanmar đã áp dụng nhiều biện pháp khắt khe. Hôm 13-3, Myanmar thông báo cấm tất cả các cuộc tụ tập nơi công cộng, gồm cả lễ hội Thingyan – Tết té nước năm mới vốn được nhiều người dân Myanmar mong chờ vào giữa tháng 4 hằng năm.

Lệnh cấm tổ chức các lễ hội và sự kiện công cộng có hiệu lực tới ngày 30-4. Campuchia, Lào và Thái Lan cũng có các bước đi tương tự liên quan tới Tết té nước, nhưng chưa đưa ra lệnh cấm ngay như Myanmar.

Myanmar còn yêu cầu người dân không đăng lên mạng xã hội các thông tin chưa được xác nhận, gây hoang mang và cảnh báo sẽ phạt những trường hợp vi phạm.

Theo trang Myanmar Times, hành vi che giấu, không báo cáo các trường hợp nghi nhiễm với nhà chức trách cũng có thể bị phạt tù. Bộ trưởng Y tế Myint Htwe của Myanmar cho biết nước này sẽ dùng 300 triệu kyat (gần 5 tỉ đồng) từ quỹ khẩn cấp để đối phó dịch COVID-19.

Theo BÌNH AN – Tuổi Trẻ