Theo hãng tin Reuters, trước đó cùng ngày, chính quyền này cũng đã lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn truy cập mạng xã hội Facebook tới 7-2.
Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất ở Myanmar với số người dùng lên tới một nửa trong tổng số 54 triệu dân nước này.
Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông Myanmar chưa bình luận về các lệnh cấm mới, nhưng trước đó cho biết việc cấm Facebook là vì “sự ổn định”.
Một người phát ngôn của mạng xã hội Twitter cho biết công ty này “hết sức quan ngại về lệnh cấm các dịch vụ Internet tại Myanmar” vì nó cản trở những cuộc thảo luận của công chúng cũng như các quyền được lắng nghe của người dân.
Một người phát ngôn khác của Facebook cũng đã xác nhận lệnh cấm với Instagram.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền khôi phục kết nối để người dân tại Myanmar có thể liên hệ với gia đình, bạn bè và tiếp cận những thông tin quan trọng”, người phát ngôn Facebook nói.
Kể từ sau khi Facebook bị cấm, hàng ngàn người ở Myanmar đã chuyển sang dùng Twitter và Instagram để phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2, cũng như việc bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Công cụ theo dõi các mã chủ đề (hashtag) trên Twitter là BrandMentions cho biết tính tới ngày 5-2, các mã chủ đề liên quan như #RespectOurVotes, #HearTheVoiceofMyanmar, và #SaveMyanmar đã có hàng trăm ngàn tương tác.
Luật sư chưa liên lạc được với bà Suu Kyi và ông Win Myint
Luật sư của bà Suu Kyi và ông Win Myint, ông Khin Maung Zaw, cho biết hai chính trị gia vẫn đang bị quản thúc tại nhà nhưng ông không thể gặp họ vì cả hai vẫn đang bị điều tra sau cuộc đảo chính đầu tuần này.
Hai ông bà Win Myint và Suu Kyi bị bắt ngày 1-2 sau khi quân đội tiến hành đảo chính. Cảnh sát đã buộc tội bà Suu Kyi nhập lậu 6 thiết bị bộ đàm, trong khi ông Win Myint bị buộc tội vi phạm các quy định phòng dịch COVID-19.
“Chúng tôi hi vọng công lý từ người phán xử nhưng chuyện đó không chắc chắn. Chúng tôi hi vọng điều tốt nhất nhưng cũng chuẩn bị cho điều tệ nhất. Dĩ nhiên chúng tôi muốn việc thả vô điều kiện vì họ không vi phạm pháp luật”, luật sư Khin Maung Zaw phát biểu trước báo giới tại thủ đô Naypyidaw.
Theo D. KIM THOA – Tuổi Trẻ