Mỹ xem xét siết chặt lệnh cấm với Huawei

Các đối tác sản xuất linh kiện tại Mỹ có thể phải chịu nhiều áp lực từ chính phủ nhằm hạn chế doanh số bán hàng cho Huawei.

Bộ thương mại Mỹ đang tính đến việc việc hạn chế các công ty công nghệ của Mỹ bán hàng cho Huawei. Đại diện nhiều cơ quan chính phủ có kế hoạch gặp nhau vào đầu tuần tới để bàn về việc này.

Theo South China Morning Post, đề xuất hồi đầu tháng một của Bộ Thương mại sẽ khiến các đối tác công nghệ của Mỹ khó bán linh kiện hơn cho Huawei. Trước đó, bất chấp lệnh cấm của chính phủ, các đối tác Mỹ vẫn làm ăn với Huawei thông qua công ty con ở nước ngoài. Những đề xuất mới của Bộ Thương mại lần này sẽ khiến việc này trở nên khó khăn hơn.

Lầu Năm Góc lo ngại các quy tắc mới có thể phá vỡ chuỗi cung ứng của Huawei, làm giảm doanh thu của các công ty khiến Mỹ bị suy yếu về công nghệ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia – lý do chính quyền Trump đưa ra từ đầu để cấm vận Huawei. Trong phiên thảo luận tiếp theo, các cơ quan chức năng có thể xem xét một số sửa đổi để tránh làm tổn tương đến những công ty công nghệ lớn của Mỹ.

Những lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei gặp nhiều khó khăn nhưng công ty này cũng cho thấy khả năng ứng biến và sức ảnh hưởng của mình trong cuộc chiến tranh thương mại. Ảnh: Ảnh: Reuters
Những lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei gặp nhiều khó khăn nhưng công ty này cũng cho thấy khả năng ứng biến và sức ảnh hưởng của mình trong cuộc chiến tranh thương mại. Ảnh: Reuters.

Donald Morrissey, Giám đốc các vấn đề chính phủ của Huawei tại Mỹ, cho rằng các quy tắc được xem xét sẽ mang lại rủi ro đáng kể cho Mỹ. Việc siết chặt lệnh cấm có thể tác động tiêu cực đến các công ty. Họ có thể mất đi một trong những đối tác lớn nhất trong cuộc chạy đua công nghệ mới.

Trước đó một tuần, tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ đại diện Huawei đã khuyến khích các đối tác Mỹ mạnh dạn vượt qua những ràng buộc của luật pháp liên bang.

Việc siết chặt lệnh cấm với Huawei đang tạo ra hai luồng ý kiến trong chính phủ Mỹ. Bên cạnh những lý do về bảo mật an ninh quốc gia, một số quan cho rằng việc ngăn chặn sự phát triển của Huawei là không khả thi. Họ ủng hộ việc hợp tác, nhắm tới những mục tiêu lớn hơn. Điều này bắt nguồn từ thực tế ngay cả khi bị cấm vận, việc làm ăn của Huawei vẫn không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Trước đó công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là ZTE đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ trước lệnh cấm tương tự vào năm 2018, nhưng Huawei vẫn tỏ ra không hề nao núng.

Hiện tại, các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài với ít hơn 25% công nghệ Mỹ được phép bán cho Huawei. Ngưỡng đề xuất mới sẽ là 10%.

Ngành công nghiệp chip của Mỹ có doanh thu khoảng 11 tỷ USD thông qua kinh doanh với Huawei vào năm 2018, đã đẩy mạnh nỗ lực vận động các quan chức chính phủ vào năm ngoái. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, hiệp hội thương mại của ngành cũng đã chi 1,2 triệu USD để vận động hành lang vào năm 2019 nhằm nới lỏng các quy định về hợp tác với công ty công nghệ Trung Quốc.

Khương Nha (theo SCMP) – Vnexpress