Trong bài phát biểu hôm qua về vụ tấn công của Iran vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ không còn cần dựa vào Trung Đông để có dầu thô nữa. “Chúng ta độc lập, và chúng ta không cần nguồn dầu từ Trung Đông”, Trump nói.
Giới phân tích cho rằng sự bùng nổ dầu đá phiến Mỹ đã viết lại các quy tắc trong ngành năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, câu chuyện thực sự phức tạp hơn thế rất nhiều.
Mỹ hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vượt cả Saudi Arabia và Nga. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2011, lên gần 13 triệu thùng mỗi ngày hiện tại. Mỹ cũng đang bơm ra rất nhiều dầu mỏ, khiến họ phải xuất khẩu 3 triệu thùng mỗi ngày.
Cơn sốt dầu đá phiến Mỹ, bắt đầu từ đầu thập niên trước, rõ ràng đã làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập khẩu. Đây là lý do khiến các vụ gián đoạn nguồn cung gần đây không có tác động quá mạnh, hoặc kéo dài lên giá dầu.
Tuy vậy, Mỹ vẫn phụ thuộc vào Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia. “Chúng ta không hề miễn nhiễm. Dầu đá phiến không phải là siêu nhân”, Helima Croft – Giám đốc Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết.
Dầu là một hàng hóa được giao dịch trên toàn cầu. Điều này có nghĩa sản xuất gián đoạn ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh cũng có thể đẩy giá ở nơi khác lên cao, trong đó có Mỹ. Ví dụ, giá dầu gần đây tăng mạnh do nhà đầu tư lo ngại căng thẳng Mỹ – Iran gây gián đoạn tuyến vận chuyển dầu qua Eo biển Hormuz – nút cổ chai ở Trung Đông giúp dầu đi từ vịnh Ba Tư đến các khách hàng trên toàn cầu.
“Thực tế cho thấy gián đoạn ở bất kỳ đâu cũng sẽ làm tăng giá ở mọi nơi, kể cả ở đây”, Bob McNally – Giám đốc hãng tư vấn Rapidan Energy Group cho biết.
Giá dầu thô đã tăng 15% trong tháng 9/2019 – mạnh nhất một thập kỷ, sau một vụ tấn công khiến sản xuất dầu mỏ tại Saudi Arabia tê liệt. Trump khi đó cam kết sử dụng dầu trong Kho Dự trữ Chiến lược để “duy trì nguồn cung dồi dào cho thị trường”.
“Nếu chúng ta không cần dầu từ Trung Đông, thì vì sao Tổng thống lại cảm thấy cần phải trấn an thế giới rằng chúng ta sẵn sàng sử dụng kho dự trữ?”, McNally nói.
Thành công của Saudi Arabia trong việc khôi phục nhanh chóng sản xuất sau vụ tấn công đó đã giúp giá dầu giảm mạnh. Việc này có thể đã thay đổi quan niệm về sự phụ thuộc của Mỹ vào Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). “Nếu không có dầu của Saudi Arabia, chúng ta sẽ phải đánh giá khác về sự phụ thuộc vào Trung Đông”, Croft lý giải.
Một nguyên nhân khác là Mỹ không thể ngay lập tức tăng sản xuất để phản ứng lại tình trạng thiếu cung. Việc này sẽ mất hàng tháng và áp lực lên các hãng khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ tăng. “Nếu xảy ra thiếu hụt, các hãng sản xuất không thể phản ứng nhanh được đâu”, Croft.
Chỉ Saudi Arabia mới có năng lực cần thiết để đối phó nhanh như vậy. Đó là lý do năm 2018, Trump đề nghị Saudi Arabia bơm thêm dầu để thay thế nguồn cung thiếu hụt do các lệnh trừng phạt lên Iran. “Nếu độc lập, anh sẽ không phải yêu cầu người Saudi bơm thêm dầu”, Croft nói.
Bên cạnh đó, hệ thống lọc dầu của Mỹ hoạt động hiệu quả nhất nếu có một lượng dầu nặng nhất định. Dầu đá phiến Mỹ thì lại rất nhẹ. Điều này có nghĩa dầu Mỹ không thể dễ dàng thay thế dầu từ Iraq hay Venezuela.
Trên lý thuyết, các hãng lọc dầu Mỹ có thể sử dụng dầu nhẹ trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng điều đó sẽ khiến giá dầu Mỹ lao dốc theo thế giới, McNally cho biết. “Việc này sẽ khiến nhiều hãng khai thác Mỹ phá sản”, ông nói.
Đó là lý do vì sao Mỹ vẫn phải nhập dầu nặng từ nước ngoài, phần lớn từ Canada và Mexico. Tuy nhiên, Saudi Arabia và Iraq cũng là các nguồn dầu lớn thứ 3 và thứ 4 của Mỹ.
Trong 10 tháng đầu năm ngoái, Mỹ nhập trung bình 906.000 thùng dầu mỗi ngày từ Vịnh Ba Tư. Con số này giảm đáng kể so với 1,5 triệu thùng năm 2018. “Sản xuất của Mỹ đã thay đổi cuộc chơi. Nhưng quan điểm cho rằng chúng ta sẽ không chịu tác động kinh tế lớn nếu nguồn cung từ Trung Đông thiếu hụt lớn trong thời gian dài là không chính xác”, Croft nói.
Hà Thu (theo CNN) – Vnexpress