Mỹ phai nhạt vai trò lãnh đạo tại hội nghị WHO

Tiếng nói nhạt nhòa của Mỹ tại phiên họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) năm nay cho thấy Washington đang từ bỏ tham vọng lãnh đạo toàn cầu.

Kỳ họp thường niên của WHA, cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường không thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế, ngoài giới chuyên môn liên quan trực tiếp.

Nhưng cuộc họp tuần này lại rất khác biệt, không chỉ bởi lần đầu tiên nó được tổ chức trực tuyến trong hai ngày do Covid-19. Trong hai ngày đó, dư luận quốc tế đã hình dung rõ ràng hơn bao giờ hết một trật tự thế giới mới, trong đó Mỹ không còn giữ vai trò “anh cả” dẫn dắt các nước trong nỗ lực ứng phó với kẻ thù chung là Covid-19.

“Điều này không phải do Mỹ đã sụp đổ, mà là cường quốc này đã từ bỏ mọi tham vọng giữ vị thế lãnh đạo toàn cầu cũng như chức năng khơi gợi cảm hứng toàn cầu của mình”, cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt viết trong bài bình luận đăng trên Washington Post. “Đây là một thực tế rất mới, đáng buồn là như vậy”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 18/5. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 18/5. Ảnh: Reuters.

Người thu hút sự chú ý trong một sự kiện tầm cỡ quốc tế như vậy lần này không phải là Tổng thống Mỹ, khi Trump đã từ chối phát biểu tại hội nghị. Thay vào đó, mọi ánh mắt đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Ông ấy đã có màn thể hiện đầy chỉn chu, tự tin và rất hiệu quả”, Bildt đánh giá. “Bài phát biểu Chủ tịch Tập nêu lên 4 thông điệp: Trung Quốc đã kiểm soát đã khống chế thành công và vượt qua khủng hoảng, Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ phần còn lại của thế giới chống dịch, đặc biệt là châu Phi, Trung Quốc đại diện cho sự minh bạch và vaccine Covid-19 phải được coi là một thứ hàng hóa phổ cập cho tất cả mọi người”.

Sau đó là màn thể hiện của các lãnh đạo châu Âu. Tiếng nói của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel được phát đi rộng rãi với thông điệp ủng hộ mạnh mẽ hợp tác toàn cầu trong nỗ lực chống dịch, nhất là thông qua WHO.

Liên minh châu Âu (EU) trong khi đó cẩn thận chuẩn bị những công việc ngoại giao cần thiết để đạt được sự đồng thuận cho nghị quyết kêu gọi tiến hành một cuộc đánh giá độc lập, công bằng và toàn diện về phản ứng y tế toàn cầu đối với Covid-19, bao gồm việc điều tra các động thái của WHO.

Ý tưởng về việc đánh giá những gì đã thực sự xảy ra ở Trung Quốc, nơi đầu tiên báo cáo các ca nhiễm nCoV, được Australia nêu lên đầu tiên từ cách đây vài tuần. Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt trước đề xuất này.

Nhưng EU đã khéo léo điều chỉnh ngôn ngữ khi kêu gọi tiến hành cuộc đánh giá đến mức Australia đã quyết định đồng bảo trợ cho nghị quyết này. Ngôn ngữ trong nghị quyết, tất nhiên mang tính ngoại giao hơn những phát ngôn hùng hồn từ Nhà Trắng, rõ ràng đã thỏa mãn mong muốn ban đầu của Australia, Bildt nhận xét.

Trung Quốc hiểu rõ áp lực mà họ đang đối mặt. Muốn thể hiện mình là một bên liên quan có trách nhiệm trong nỗ lực hợp tác y tế toàn cầu, Bắc Kinh đã gạt sang một bên những lời phản đối và chấp nhận các yêu cầu đánh giá toàn diện về Covid-19 trong nghị quyết.

Khoảng hơn 4 tiếng sau phát biểu của hàng loạt lãnh đạo thế giới tại WHA, Mỹ mới bắt đầu lên tiếng. Nhưng thông điệp của Washington được truyền đi qua Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar lại khác biệt rõ rệt với các bài phát biểu khác và nó chỉ làm tăng thêm ấn tượng rằng Mỹ hứng thú đối đầu với Trung Quốc hơn nhiều so với đấu tranh chống dịch bệnh.

Đồng thời, bên ngoài WHA, chính quyền Trump tiếp tục tung ra hàng loạt cáo buộc nhằm vào Trung Quốc và WHO. Tổng thống Mỹ còn gửi “tối hậu thư” dọa sẽ rời khỏi WHO trong vòng 30 ngày tới nếu tổ chức “không cải thiện đáng kể”.

Nhưng rốt cuộc, Mỹ cũng phải chấp nhận một thực tế rằng dự thảo nghị quyết dưới sự dẫn dắt của EU cuối cùng đã được WHA thông qua, trong khi vai trò của Mỹ hoàn toàn nhạt nhòa. Điều này từng được coi là “không thể xảy ra” trước đây, khi thế giới vẫn quen với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong những vấn đề khẩn cấp toàn cầu.

“Đây thực sự là một thảm họa đối với những ai quan tâm. Nhưng phải nói rằng, đối với bất kỳ ai theo dõi các cuộc thảo luận tại WHA, dường như thảm họa thực tế đã xảy ra”, cựu thủ tướng Thụy Điển bình luận. “Một thế giới vắng bóng Mỹ đã hiển hiện rõ nét: Trung Quốc quyết đoán và tự tin. Châu Âu đang cố gắng cứu vãn những gì còn có thể cứu được của hợp tác toàn cầu. Chính quyền Trump trong khi đó bắn trọng pháo từ bên ngoài theo đủ mọi hướng, nhưng không thu được kết quả thực tế nào”.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post)

Theo Vnexpress