Mỹ nỗ lực rút ngắn cuộc đua vaccine Covid-19

Chính phủ Mỹ lên kế hoạch thử nghiệm 6 loại vaccine Covid-19 tiềm năng trên hơn 100.000 tình nguyện viên, kỳ vọng ra mắt vào cuối năm nay. 

Dự án sẽ rút ngắn quá trình phát triển vaccine vốn kéo dài nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ xuống còn vài tháng. Tất cả nhằm ngăn chặn Covid-19 đã lây nhiễm hơn 5 triệu người, giết chết khoảng 335.000 bệnh nhân. Để đạt được điều này, các nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đã đồng ý chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin với cả những đối thủ trực tiếp.

Các “ứng viên” đủ an toàn và hiệu quả trong nghiên cứu sơ bộ sẽ được thử nghiệm trên quy mô lớn hơn, với sự tham gia của 20.000 đến 30.000 tình nguyện viên, dự kiến bắt đầu vào tháng 7. 

“Nếu không phát hiện các vấn đề, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”, tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH), cho biết. Nỗ lực điều chế vaccine là một phần trong “Chiến dịch Thần tốc” của Nhà Trắng, được công bố tuần trước để đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine. 

Trong giai đoạn một, các nhà khoa học thử nghiệm độ an toàn của vaccine trên nhóm nhỏ các tình nguyện viên khỏe mạnh. Nếu kết quả khả quan, họ tiến hành nghiên cứu quy mô lớn hơn, tìm ra liều lượng phù hợp. Giai đoạn cuối có sự tham gia của hàng nghìn người. Sau đó, hãng dược cần chứng minh năng lực sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ vaccine cho hàng triệu người dùng.

Tuy nhiên giữa đại dịch, các bước sẽ chồng chéo lên nhau, đặc biệt ở giai đoạn giữa và cuối, theo tiến sĩ Collins.

Cách làm này có những rủi ro nhất định, bởi một số phản ứng phụ chỉ được phát hiện trong thử nghiệm quy mô lớn. Người Mỹ cũng lo ngại về tốc độ gấp rút của các thử nghiệm vaccine. 

Vaccine thử nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia, Mỹ. Ảnh: Reuters
Vaccine thử nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo tiến sĩ Larry Corey, chuyên gia tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, thành phố Seattle, loại vaccine hiệu quả rõ rệt so với giả dược cần được thử nghiệm ít nhất 6 tháng. Những sản phẩm có tác dụng kém hơn cần nghiên cứu trong thời gian một năm.

Chính phủ Mỹ đã cam kết đầu tư hàng tỷ đô la giúp các nhà sản xuất phát triển vaccine. Song đây là canh bạc đầy may rủi. Những “ứng viên” tiềm năng nhất ở bước đầu vẫn có thể trở thành nỗi thất vọng khi tiến đến các giai đoạn sâu hơn. 

Để có câu trả lời sớm nhất, vaccine tại Mỹ sẽ được thử nghiệm trên nhân viên y tế và cụm dịch, nơi virus vẫn lây lan mạnh để theo dõi liệu chúng có giúp giảm các ca nhiễm mới hay không. Thành phố Washington được coi là địa điểm hợp lý bởi dịch bệnh tại đây chưa đạt đỉnh. Các nghiên cứu cũng có thể thực hiện tại lục địa khác, bao gồm châu Phi, khu vực virus mới bắt đầu lây lan. 

Chính phủ Mỹ có kế hoạch triển khai các mạng lưới thử nghiệm riêng biệt, bao gồm 100 cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Cựu chiến binh. Trong khi đó, các hãng dược cũng tự tìm kiếm tình nguyện viên cho nghiên cứu độc lập. 

Vaccine của hãng Moderna, hợp tác phát triển cùng Viện Y tế Quốc gia (NIH), là “ứng viên” đầu tiên được thử nghiệm trên quy mô lớn vào tháng 7 năm nay. Mỹ cũng đầu tư 1,2 tỷ USD cho AstraZeneca, một loại vaccine của Đại học Oxford, Anh, dự kiến ra mắt trong tháng 9. 

“Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện song song hai thử nghiệm, nhưng đều có sự kiểm soát”, ông Collins cho biết. 

Bên cạnh đó, vaccine của các hãng dược lớn như Johnson & Johnson, Sanofi và Merck & Co cũng trong giai đoạn phát triển, chỉ chậm hơn một đến hai tháng so với hai sản phẩm tiên phong. 

Thục Linh (Theo Reuters) – Vnexpress