“Mỹ đã hành động để ngăn chiến tranh. Chúng tôi không hành động để bắt đầu một cuộc chiến. Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran”, Tổng thống Donald Trump nói trong buổi họp báo ngày 3/1 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.
Tuyên bố được Trump đưa ra để giải thích cho quyết định ra lệnh cho quân đội Mỹ không kích đoàn xe gần sân bay quốc tế Baghdad khiến thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis thiệt mạng.
Động thái này giúp Mỹ loại bỏ một trong những đối thủ nguy hiểm nhất tại Trung Đông nhưng cũng đặt ra nguy cơ leo thang xung đột, dẫn tới cảnh “gậy ông đập lưng ông” với lực lượng Mỹ tại Trung Đông và nhiều nơi khác, giới chuyên gia cảnh báo.
“Chắc chắn Mỹ sẽ phải đối phó với các hành động đáp trả tại Iraq, Syria và cả khu vực Trung Đông”, tướng David Petraeus, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ sau chiến dịch quân sự tại Iraq năm 2003, nhận định về hậu quả của cuộc không kích giết chết tướng Soleimani, quan chức quyền lực thứ hai của Iran.
Nhiều quan chức Mỹ và các nhà quan sát kỳ cựu đều cho rằng vụ không kích là bước leo thang vượt xa những gì họ tưởng tượng. “Còn lâu mới có chuyện Iran bỏ qua vụ tấn công”, Afshon Ostovar, chuyên gia nghiên cứu về IRGC và tướng Soleimani, cho hay.
Đòn đáp trả của Iran có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào, từ châu Phi tới Nam Mỹ và không chỉ giới hạn ở Vùng Vịnh. “Tôi không nghĩ họ sẽ làm ngơ trước vụ ám sát một trong những quan chức hàng đầu của mình”, một quan chức chính phủ tại Trung Đông nêu quan điểm.
Soleimani là chỉ huy đặc nhiệm Quds từ năm 1998 tới nay, cũng là người giám sát mọi hoạt động tác chiến của IRGC ở ngoài lãnh thổ Iran. Ông rất được người dân và binh sĩ Iran ủng hộ, cũng thường xuyên khẩu chiến với chính quyền Trump.
Hai nước suýt đụng độ quân sự hồi giữa năm 2019, sau khi Iran bị cáo buộc đứng sau hàng loạt vụ tập kích tàu hàng, cũng như vụ Tehran bắn hạ máy bay không người lái (UAV) trị giá hơn 200 triệu USD của Washington trên eo biển Hormuz ngày 20/6.
“Cái chết của Soleimani là động thái gây sốc, ngay cả trong tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Iran dưới thời Trump, khi ông chủ Nhà Trắng gia tăng áp lực tối đa vào nền kinh tế và từng nhiều lần đe dọa dùng biện pháp quân sự với Tehran”, cây bút Wesley Morgan của Politico nhận xét.
Khả năng Iran tung ra các biện pháp “báo thù” có thể tác động tiêu cực tới Trump, khi ông đang phải đối mặt với cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm ngay trước khi chạy đua tranh cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.
Nếu Iran có các biện pháp đáp trả nhằm vào lực lượng Mỹ và đồng minh ở Trung Đông, Washington chắc chắn sẽ phải phản ứng, khiến đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai nước sẽ nổ ra. Trump nhiều khả năng sẽ phải phát động cuộc chiến tranh đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến hao người tốn của khác ở Trung Đông.
Đây chắc chắn không phải là điều Trump mong muốn, bởi ông từng đưa ra cam kết “đưa lính Mỹ về nhà” và chấm dứt các cuộc chiến tranh “không có hồi kết” ở Trung Đông. Việc phá vỡ những lời hứa này có thể khiến cử tri Mỹ thất vọng về ông ngay trong giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống 2020.
“Hành động leo thang căng thẳng của Trump sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với một cuộc chiến thảm khốc khác ở Trung Đông. Điều này có thể tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và giết chết vô số sinh mạng. Trump hứa sẽ chấm dứt các cuộc chiến không hồi kết, nhưng hành động này đẩy chúng ta đến một cuộc chiến khác”, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một trong các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đăng trên Twitter.
Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ trích gay gắt chính quyền Trump, cáo buộc cuộc không kích là “động thái leo thang cực kỳ nghiêm trọng trong một khu vực vốn đã nguy hiểm” và nói ông chủ Nhà Trắng đã “đổ thêm dầu vào lửa”.
Trong khi đó, phe Cộng hòa lại ca ngợi đây là một chiến thắng quan trọng của Mỹ và ủng hộ quyết định không kích “tiêu diệt” Soleimani của Trump. “Cái giá phải trả cho việc giết chết và làm bị thương người Mỹ đã tăng lên. Đây là cú đánh lớn vào chế độ Iran”, thượng nghị sĩ Lindsey Graham đăng trên Twitter.
Trump và các thành viên đảng Cộng hòa dường như tính toán rằng quyết định không kích Soleimani thể hiện ông chủ Nhà Trắng là người sẵn sàng hành động cứng rắn, loại bỏ các đối thủ nguy hiểm để bảo vệ mạng sống người Mỹ và lợi ích của Washington, điều có thể giúp ông nhận thêm sự ủng hộ của cử tri.
Tuy nhiên, vụ không kích giết chết tướng Soleimani sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới Iraq và nhiều nước Trung Đông, nơi Iran đang có nhiều đồng minh và lực lượng ủy nhiệm.
Phản ứng trước mắt sẽ được cảm nhận rõ tại Iraq, quốc gia được coi là chiến trường cạnh tranh ảnh hưởng giữa Washington và Tehran. Iran từ lâu đã tìm cách đẩy lực lượng Mỹ rời Iraq, trong khi Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự tại đây kể từ khi lật đổ cựu tổng thống Saddam Hussein năm 2003.
“Vụ ám sát một chỉ huy quân đội đang tại nhiệm của Iraq là hành vi gây hấn chống lại đất nước, chính phủ và người dân Iraq”, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi tuyên bố và khẳng định việc thủ tiêu những người nắm vị trí quan trọng tại Iraq và “một quốc gia anh em” trên lãnh thổ nước này là “sự vi phạm chủ quyền nghiêm trọng”.
Thủ tướng Mahdi thêm rằng cuộc không kích còn “vi phạm trắng trợn” các điều khoản cho phép quân đội Mỹ hiện diện trên đất Iraq, bởi họ chỉ có nhiệm vụ huấn luyện binh sĩ Iraq và chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong khuôn khổ liên minh toàn cầu.
Cuộc không kích của Mỹ đã đẩy Iraq vào tình thế khó xử khi Baghdad cần sự hỗ trợ của Washington để bảo đảm năng lực quốc phòng, đồng thời vẫn phải duy trì quan hệ hữu hảo với Tehran để cải thiện kinh tế và tránh trở thành chiến trường xung đột giữa Mỹ với Iran.
“Iraq muốn đạt sự cân bằng này, nhưng xung đột Mỹ – Iran khiến nó trở thành mục tiêu quá xa vời. Chính quyền Trump đang đọ sức với Iran và gần như buộc Iraq phải chọn phe”, một cựu quan chức ngoại giao Iraq đánh giá.
Chính sách cứng rắn của Trump với Iran nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng minh Trung Đông như Israel, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, họ cũng lo ngại Iran và lực lượng ủy nhiệm có thể đẩy mạnh hoạt động tập kích trong bối cảnh các nước Vùng Vịnh đang tìm cách làm nguội tình hình khu vực.
Cái chết của Soleimani sẽ là tổn thất lớn với Iran, nhưng nhiều khả năng giới lãnh đạo nước này luôn có kịch bản chuẩn bị cho những tình huống như vậy. Không kích giết chết tư lệnh Quds khó lòng khiến Iran thay đổi chính sách, thậm chí có thể thúc đẩy nước này leo thang bằng những hành động trả thù.
“Soleimani chỉ là gương mặt đại diện cho chính phủ Iran. Ông ấy thể hiện chiến lược của họ, nhưng chiến lược của Tehran vượt xa bên ngoài hình ảnh của Soleimani”, chuyên gia Ostovar nhận xét.
Vũ Anh (Theo Politico) – Vnexpress