“Chúng tôi sẽ không cho phép quân đội Miến Điện (tên cũ của Myanmar) tiếp tục thu lợi từ các hàng hóa theo các quy định quản lý xuất khẩu” – Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố. Bộ cũng cho biết đang xem xét thêm các biện pháp trừng phạt khác, theo Hãng tin Reuters.
Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited là hai tập đoàn bị Mỹ liệt vào danh sách đen trên. Đây là hai trong số các công ty thuộc quân đội Myanmar, thu lợi từ các mặt hàng như bia, thuốc lá cũng như viễn thông, lốp xe, khai khoáng và bất động sản.
Động thái trên của Mỹ nhằm phản ứng lại cuộc trấn áp đẫm máu của quân đội Myanmar đối với người biểu tình phản đối quân đội đảo chính và bắt giữ các lãnh đạo dân sự, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được cho là sẽ có ít ảnh hưởng đến Myanmar, do Mỹ ít vận chuyển hàng hóa tới Myanmar và các công ty trên cũng không phải là các nhà nhập khẩu lớn.
Chính phủ Mỹ vẫn chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất lên các tập đoàn quân sự Myanmar. Một trong số các biện pháp là cấm tất cả người Mỹ làm ăn với các tập đoàn này.
Cũng trong ngày 4-3, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar ngừng cuộc đàn áp đẫm máu chống lại người biểu tình và thả những người biểu tình cũng như nhà báo đã bị bắt giữ, theo Hãng tin AP.
Nhà Trắng gọi tình hình là “đáng lo ngại”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang làm việc với các quốc gia khác để gửi thông điệp thống nhất tới quân đội Myanmar rằng các hành động của họ là không thể chấp nhận và sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Trước đó, Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức quân sự hàng đầu Myanmar liên quan đến cuộc đảo chính ngày 1-2.
Washington cũng tăng cường gây áp lực sau khi quân đội Myanmar trấn áp biểu tình khiến ít nhất 54 người thiệt mạng. Đến nay, lực lượng an ninh Myanmar do quân đội hậu thuẫn đã bắt giữ hơn 1.700 người trong các cuộc biểu tình, bao gồm 29 nhà báo.
Theo ANH THƯ – Tuổi Trẻ