Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố luỹ kế doanh thu và lợi nhuận sau thuế 11 tháng đầu năm lần lượt đạt 15.072 tỷ đồng và 1.072 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tài chính được cải thiện đáng kể nhờ hoạt động cơ cấu danh mục sản phẩm và tối ưu chi phí sản xuất. Ví dụ doanh thu thuần tháng vừa rồi tăng đến 32% và biên lợi nhuận gộp lên mức 20,7%.
So với kế hoạch đầu năm, công ty mới hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận. “Sau khi khắc phục sự cố vận hành ERP, kết quả kinh doanh của PNJ tăng trưởng rất nhanh nhưng để có thêm 3.100 tỷ đồng (tương ứng 17% kế hoạch doanh thu còn lại) trong tháng cuối năm là điều bất khả thi”, một chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng nhận định.
ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) là hệ thống cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp toàn diện từ sản xuất, mua bán hàng, kế toán, phân tích dữ liệu… nhằm tối ưu quy trình vận hành, quản lý hao hụt và tiết kiệm chi phí.
Trước khi xảy ra sự cố với hệ thống ERP, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT PNJ từng cho biết công ty có nhiều điều kiện để hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Điển hình như trang sức cao và trung cấp có thương hiệu mới chiếm 30% thị phần nên dư địa tăng trưởng rất lớn, cộng thêm các ngành hàng mới như đồng hồ, mắt kính cũng đang được mở rộng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên, người đứng đầu PNJ còn nhắc đến những thay đổi mang tính chiến lược như thay đổi nhận diện mới cho các trung tâm kim hoàn, tìm kiếm đơn vị gia công để giảm tỷ trọng các sản phẩm tự sản xuất…
“PNJ sẽ cán đích lợi nhuận nếu duy trì đà tăng trưởng như các tháng gần đây. Trong khi đó, phương án khả thi nhất đối với doanh thu là hoàn thành 90% kế hoạch”, chuyên viên phân tích này dự báo.
Không chỉ kết quả kinh doanh, cổ phiếu PNJ cũng chịu tác động lớn theo diễn biến của sự cố ERP. Cổ phiếu này giằng co quanh trong biên độ 72.000-76.000 đồng khi thông tin bất lợi xuất hiện. Khi ban lãnh đạo công ty cho hay đã cơ bản khắc phục sự cố, cổ phiếu nhanh chóng lên vùng giá 84.000 đồng.
Trên sàn chứng khoán, PNJ đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (24/12) tại 84.500 đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chênh lệch lớn so với giá mục tiêu cuối năm được nhiều công ty chứng khoán ước tính là 96.000-97.100 đồng.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo cập nhật giữa tháng trước vẫn giữ quan điểm tích cực đối với PNJ do tốc độ mở cửa hàng của doanh nghiệp này diễn ra nhanh hơn dự kiến và biên lợi nhuận gộp được cải thiện.
Trong 11 tháng đầu năm, PNJ đã mở mới 33 cửa hàng để nâng tổng số điểm bán trên toàn quốc lên 353. Kế hoạch ra mắt bộ sưu tập trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là sau khi ký hợp tác bản quyền thương mại với The Walt Disney SEA, và đẩy mạnh hoạt động bán hàng được kỳ vọng trở thành động lực hỗ trợ cho tham vọng lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số.
Việc hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng được giới quan sát nhận định là một trong những bước đi chiến lược, giúp PNJ nhanh chóng đạt các mục tiêu cho mảng trang sức. Đây đang là mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu với 77-80% mỗi năm và biên lợi nhuận gộp cao nhờ lợi thế vừa sản xuất vừa phân phối nên kiểm soát tốt chi phí.
Gần đây, PNJ cũng tập trung hơn cho mảng đồng hồ cũng với tham vọng dẫn đầu thị phần. Báo cáo kết quả 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này cho biết, nguồn thu khác (ngoài vàng miếng, trang sức vàng và bạc) cũng chiếm 0,5% doanh thu. Đặt giả thuyết toàn bộ đến từ đồng hồ thì con số tối đa xấp xỉ 6 tỷ đồng.
PNJ hiện có 24 điểm bán bán đồng hồ theo các mô hình shop-in-shop, cửa hàng trong trung tâm thương mại và cửa hàng flagship nhằm quảng bá thương hiệu và giới thiệu trải nghiệm cao cấp. Công ty đặt mục tiêu cuối năm nay có 35 cửa hàng và tăng gấp đôi trong năm sau, đồng thời phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Kế hoạch này được giới quan sát cho rằng khá thận trọng bởi PNJ đã gia nhập thị trường từ năm 2012 và dành gần như toàn bộ thời gian để quan sát và thử nghiệm.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính, trong giai đoạn 2013-2018, đồng hồ chỉ mang về tổng cộng khoảng 100 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong cơ cấu doanh thu. Mục tiêu của PNJ đến năm 2022 sẽ tăng doanh thu lên khoảng 200-300 tỷ đồng, gấp chục lần quy mô hiện tại.
Thị trường trang sức Việt Nam ước tính có doanh thu 95 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi thị trường đồng hồ đeo tay 750 triệu đồng. Điểu chung của cả hai la đang phân mảnh với thị phần đa số thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ. Với vị thế doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần lẫn số lượng cửa hàng, hầu hết các nhóm phân tích nhận định, PNJ không khó để có mức tăng trưởng như kỳ vọng trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô và thu nhập bình quân đầu người đều đang cải thiện.
Phương Đông – Vnexpress