Mùa xuân buồn của kinh tế Trung Quốc

Ngành vận tải, điện ảnh, tiêu dùng của Trung Quốc đáng lẽ có một mùa Tết bận rộn và bội thu hơn nếu không xảy ra những gì ở Vũ Hán với virus corona.

Như mọi năm, sự kiện chào năm mới này bắt đầu bằng cuộc di cư lớn nhất hành tinh, các nhà máy sau đó đóng cửa trong gần một tháng. Cùng với đó, các gia đình sẽ tăng chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống, giải trí.

Tết Nguyên đán cũng là khoảng thời gian bận rộn nhất của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Tương tự với ngành vận tải. Theo ước tính của Cục Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, khoảng 440 triệu hành khách sẽ di chuyển bằng đường sắt năm nay, tăng 32,6 triệu lượt, tương đương 8%. Cơ quan hàng không Trung Quốc dự đoán lưu lượng hành khách hàng không dân dụng sẽ đạt 79 triệu, tăng 8.4% so với năm ngoái. Đây sẽ là mức cao kỷ lục.

Hành khách chờ tàu tại Bắc Kinh để về quê ăn Tết vào ngày 10/1/2020. Ảnh: Reuters
Hành khách chờ tàu tại Bắc Kinh để về quê ăn Tết vào ngày 10/1/2020. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, do sự bùng phát của virus corona, ngành vận tải và du lịch mùa Tết này đã bị ảnh hưởng.

Các hãng du lịch đã phải hủy bỏ miễn phí tour cho khách hàng đến thành phố Vũ Hán. Các nền tảng đặt vé trực tuyến cũng chấp nhận cho khách hoàn vé đến Vũ Hán. Cùng với đó, ngành giải trí cũng ảnh hưởng. Có ít nhất 7 bộ phim, vốn định phát hành vào Tết Nguyên đán, đã bị rút vì sự bùng phát của dịch bệnh.

Thực tế, ngay cả trước khi viêm phổi Vũ Hán bùng phát, mùa xuân của kinh tế Trung Quốc năm nay cũng không còn khởi sắc như trước.

Sau Tết, nhiều người ở Trung Quốc vẫn sẽ nghỉ làm. Thực tế, tất cả các ngành công nghiệp sẽ ngừng hoạt động trong 3-4 tuần. Theo ước tính của công ty nghiên cứu TS Lombard, việc đóng cửa có thể kéo dài đến ngày 9/2.

Thực tế, mức độ ảnh hưởng của Tết Nguyên đán là rất lớn, đến nỗi các nhà phân tích cho rằng rất khó để đánh giá “sức khoẻ thực sự” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với dữ liệu thương mại và sản xuất trong thời gian nghỉ lễ. “Đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan có nghĩa là tổ hợp sản xuất – xuất khẩu Đông Á yếu hơn đáng kể trong tháng Tết Nguyên đán”, TS Lombard nhận định.

Trong nhiều năm, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc phụ thuộc vào lao động nhập cư giá rẻ đi làm việc xa nhà. Cục Thống kê Quốc gia nước này cho biết, Trung Quốc có 288,36 triệu lao động nhập cư vào cuối năm 2018, tăng 0,6% so với năm 2017.

Với nhiều người xa quê, việc đoàn tụ gia đình dịp Tết được củng cố bằng bữa cơm tối hôm thứ sáu vừa qua. Thịt heo được tiêu thụ mạnh dịp này, vì nó được xem là biểu trưng của thịnh vượng. Theo truyền thống, người nông thôn sẽ mổ một con heo để mừng năm mới.

Tết Nguyên đán là mùa cao điểm tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tết Nguyên đán là mùa cao điểm tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi từ tháng 8/2018 đã khiến giá thịt heo tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Trung Quốc xả kho thịt heo đông lạnh để bình ổn giá. Kể từ đầu tháng 12, họ đã bán đấu giá hơn 200.000 tấn thịt heo để hạ nhiệt thị trường.

Giá thịt heo đã tăng trở lại vào tháng 1/2020. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán và những tháng tới, họ sẽ tiếp tục bán đấu giá thịt heo dự trữ để bảo vệ nhu cầu tiêu dùng cơ bản của người dân.

Giống như các gia đình ở Mỹ vào Lễ Tạ ơn, thói quen chi tiêu của Trung Quốc cũng tăng lên vào dịp Tết Nguyên đán. Dù vậy, tăng trưởng đã chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu, một phần do cuộc chiến thương mại với Mỹ và nền kinh tế trong nước trì trệ.

Năm ngoái, doanh thu bán lẻ và ăn uống của Trung Quốc chỉ tăng 8,5%, so với mức 10,2% hồi năm 2018. Tăng trưởng doanh thu du lịch cũng giảm tốc, còn 8,2%, từ mức 12,1% vào năm 2018. Tổng chi tiêu mùa Tết năm ngoái là 513,9 tỷ nhân dân tệ (74,4 tỷ USD).

Và ngay cả trước khi viêm phổi Vũ Hán bùng phát, tăng trưởng của doanh thu phòng vé Trung Quốc cũng chậm lại trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2019, với 64,2 tỷ nhân dân tệ (9,3 tỷ USD), chỉ tăng 5,4% so với một năm trước đó.

Phiên An (theo SCMP) – Vnexpress