“Em tên là Thanh Nguyễn, hiện đang mang thai 5 tháng, sống với ba con nhỏ (4,6,8 tuổi). Chồng em hiện tại đang bị tạm giam, em lại không có người thân, bạn bè. Em và con đang bị cảm nên không thể tự mình đi mua gạo hay đồ ăn được. Em mong được các chị giúp đỡ chút đồ ăn”, người mẹ trẻ tên Thanh, ở Keysborough, vùng ngoại ô Melbourne, bang Victoria, Australia nhắn tin cầu cứu.
Châu hẹn tuần sau có thêm nhu yếu phẩm sẽ điều phối người chở đến. 10h khuya, khi con gái 4 tuổi đã ngủ, chị dành hai giờ đồng hồ cuối ngày ghi chép lại thông tin của Thanh Nguyễn và hàng chục người Việt cần giúp đỡ khác rồi chuyển sang cho “thủ kho” Katina Vũ – cũng ở Melbourne.
Sáng hôm sau, cầm danh sách trong tay, Katina Vũ giao cô con gái 7 tháng tuổi cho mẹ đẻ rồi tất tả xuống kho cân gạo, xếp đồ. “Chị Bảo Châu sẽ thông báo cho tôi biết hộ cần giúp đỡ có bao nhiêu người. Ngoài gạo, mỳ tôm, nếu có người già, tôi cho thêm thuốc uống, có trẻ nhỏ sẽ cho thêm bỉm, sữa”, chị nói. Nhu yếu phẩm được các mạnh thường quân chuyển đến nhà Katina sớm hơn dự định. Ngay trong ngày, chị cùng các tình nguyện viên chia nhau mang đến cho Thanh Nguyễn và những người khác.
“Tôi bị cảm nên không dám tiếp xúc gần với các chị, ra cửa đã thấy mọi người để sẵn đồ ở đó. Tôi chỉ thử vận may của mình thôi, không ngờ lại được giúp đỡ tận tình vậy”, chị Thanh nói.
Ba tuần trước, đọc được lời kêu gọi giúp đỡ những người Việt gặp khó khăn do Covid-19 của Nguyễn Bảo Châu trên nhóm “Mẹ Việt tại Úc”, Katina Vũ xung phong làm thủ kho kiêm giao hàng. “Từ năm 18 tuổi tôi đã tham gia hoạt động tình nguyện, giúp đỡ phụ nữ đơn thân, người bạn trẻ lỡ sinh con những không thể nuôi. Vì vậy, việc giúp đỡ cộng đồng ở Úc trong giai đoạn này đến như bản năng”, người mẹ 30 tuổi, định cư hai năm ở Australia cho biết.
Công việc của chị được chồng và bố mẹ nhiệt tình ủng hộ. Chồng Katina đích thân chở chị đi giao đồ nếu đường xa, bố mẹ chị cùng con gái và các tình nguyện viên phân loại hàng hóa, đóng gạo…
“Không phải ai cũng được gia đình cổ vũ như tôi. Có chị phải giấu chồng, có một anh phải giấu vợ, con làm tình nguyện viên giao hàng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc ra ngoài luôn khiến mọi người lo lắng”, Katina Vũ nói.
Để có thể giao đồ từ thiện cho những người cần giúp đỡ, các “shipper” không chỉ nhiệt tình mà phải rành đường và biết tiếng Anh để trả lời cảnh sát lý do mình ra khỏi nhà trong những ngày phong tỏa. Nhóm trang bị khẩu trang, nước rửa tay khi đi giao hàng, để đồ trước cửa nhà rồi gọi điện thay vì đưa trực tiếp.
Làm và dạy nghề phun xăm, chị Bảo Châu cũng phải nghỉ làm trong giai đoạn này. “Tôi còn có tiền gửi con tuần ba buổi, có chi phí sinh hoạt, trong khi những người khác rất khổ sở, đặc biệt là các mẹ đang nuôi con nhỏ, phụ nữ đơn thân hay những người Việt không có giấy phép định cư”, nữ quản trị viên từng hỗ trợ phụ nữ Việt bị bạo hành tại Australia nói.
Chị Châu lên nhóm và trang cá nhân kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ. Chỉ một tuần sau đó, chị đã nhận được 10.000 AUD ủng hộ, cùng với gạo, mỳ, đồ hộp, tã, bỉm, sữa, thuốc… của người Việt đang sống ở quốc gia này. Katina Vũ nhận làm thủ kho kiêm giao hàng, Van Bui Rudd vào vai thủ quỹ, trong khi chị Nhung Le và những người khác tình nguyện làm “shipper”.
Hoạt động không chỉ diễn ra ở Melbourne mà lan rộng ra cộng đồng người Việt tại Úc. Nhận được tin nhắn nhờ giúp đỡ, nếu ở các khu vực khác, chị Bảo Châu lại kết nối với các điều phối viên ở gần đó để nhờ hỗ trợ.
Những người cần giúp đỡ chỉ cần nói ngắn gọn hoàn cảnh, số lượng thành viên, ngay lập tức được nhóm phản hồi. “Những người Việt ở đây tuy khó khăn, nhưng đều rất tự trọng. Hỏi quá sâu dễ làm tổn thương họ”, chị Châu nói.
Có lần chị nhận được tin nhắn của một phụ nữ gia đình có bốn người, đều bị mất việc và chưa biết được hỗ trợ gì hay không. Trường hợp này đông người, chị Châu quyết định tặng hai bao gạo, nhưng người nhận kiên quyết lấy một. “Hết tôi mới xin thêm, còn để cho người khác”, người này nói.
Lần khác, một cặp vợ chồng cùng con nhỏ lái xe gần hai giờ đồng hồ đến nhà Katina Vũ để xin đồ cho con gái. Dù chị cho thêm gạo, mỳ và đồ thiết yếu khác, nhưng họ nhất định từ chối. Một du học sinh được chị tặng gạo tình nguyện làm “shipper” san sẻ công việc với nhóm.
“Tất cả những câu chuyện đẹp đó là động lực cho chúng tôi”, Katina tâm sự. Đến nay, nhóm đã “giải cứu” được hơn 300 hộ gia đình Việt sinh sống tại Australia gặp khó khăn.
Đầu tháng 4, Katina nhận được danh sách cần hỗ trợ có tên năm du học sinh sống cùng nhau, đang mắc kẹt tại Maidstone, Melbourne. Những thanh niên 18, 20 tuổi chủ động đi xe buýt gần một giờ đồng hồ đến nhận bao gạo 25kg, 3 thùng mỳ, dưa leo, thịt, rau. Nhìn ba du học sinh Việt khệ nệ bê đồ ăn ra bên xe, Katina Vũ bật cười. Chị gọi giật: “Mang đồ ăn tươi sống về trước đi, còn lại chị sẽ chuyển đến tận nhà cho mấy đứa”.
Đám trẻ tươi ra mặt, làm theo lời người vừa giúp đỡ mình. Katina lên phòng, thấy con gái nhỏ đang ngủ say bên bà ngoại. Chị mỉm cười, xếp gạo, mỳ lên xe rồi nổ máy, ra đường.
Phạm Nga – Vnexpress