Máy xét nghiệm ở Quảng Nam được mua như thế nào?

18 ngày sau khi Sở Y tế đề xuất, tỉnh Quảng Nam mua máy xét nghiệm Realtime PCR 7,2 tỷ đồng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Theo Sở Y tế Quảng Nam, đầu tháng 3 địa phương bước vào giai đoạn 2 phòng chống Covid-19 với nhiều khó khăn, do số lượng du khách lớn, mật độ lưu thông phương tiện dày. Tỉnh có ba bệnh nhân dương tính nCoV và hàng trăm người tiếp xúc gần phải cách ly nên số mẫu cần xét nghiệm rất lớn. 

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, nói mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế phải đưa vào Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa) mất gần 3 ngày mới có kết quả. Vì thế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh đề nghị Sở Y tế nghiên cứu mua hệ thống máy xét nghiệm với yêu cầu tự động, nhanh, chính xác để phục vụ “phòng chống dịch như chống giặc”.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam làm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Lệ Diễm.
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam làm xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Lệ Diễm.

Ngày 13/3, Sở Y tế Quảng Nam làm tờ trình gửi UBND tỉnh về việc thẩm định phân bổ kinh phí và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR. Hệ thống gồm máy tách chiết DNA/RNA, máy chia mẫu tự động công suất 96 mẫu cùng lúc, máy Realtime PCR công suất 72 mẫu/lần chạy sử dụng hóa chất mở và các thiết bị phụ trợ.

Hệ thống máy đồng bộ của hãng Qiagen (Đức), xuất xứ Thụy Sĩ và Malaysia, đảm bảo yêu cầu hiện đại, khép kín và tự động hoàn toàn.

Sở Y tế Quảng Nam đã tham khảo và được Công ty Giải pháp Việt báo giá 7,5 tỷ đồng, hai doanh nghiệp khác báo giá lần lượt 9,7 và 9,3 tỷ đồng. “Sở còn đối chiếu với Sở Y tế Quảng Ninh ký hợp đồng 8,4 tỷ đồng ngày 1/3 và CDC Hà Nội 7 tỷ đồng ngày 3/3”, ông Hai nói và cho biết mức giá 7,5 tỷ đồng “tương đối hợp lý, đủ cơ sở để trình cơ quan chức năng thẩm định dự toán”.

Ngày 27/3, Sở Y tế Quảng Nam và Công ty Giải pháp Việt thương thảo hợp đồng, giá thành giảm còn 7,2 tỷ đồng và chỉ định gói thầu. Ngày 1/4, hệ thống máy bắt đầu hoạt động, gần 30 ngày qua đã xét nghiệm gần 2.000 mẫu, Giám đốc Hai cho biết, đánh giá chủ trương sắm hệ thống Realtime PCR đã giải quyết kịp thời công tác xét nghiệm phòng dịch ở địa phương.

Hệ thống còn được sử dụng hiệu quả, lâu dài trong việc xét nghiệm một số bệnh truyền nhiễm sau này. “Quá trình mua máy đúng quy định, không hề có tiêu cực”, ông Hai khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành.
Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành.

Sở Tài chính được UBND tỉnh Quảng Nam giao phân bổ dự toán và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở, giải trình đây là thiết bị chuyên ngành đặc thù, không bán đại trà, khi thẩm định Sở gặp nhiều khó khăn do không có thiết bị tương tự trên thị trường để tham chiếu.

Dựa vào hồ sơ của Sở Y tế Quảng Nam cung cấp bảng báo giá của ba đơn vị, cán bộ của Sở Tài chính đã điện thoại trao đổi với đại diện công ty ở Đà Nẵng – đơn vị cung cấp máy xét nghiệm cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, đơn vị này không đáp ứng được yêu cầu về cấu hình kỹ thuật mà Sở Y tế đưa ra nên không báo giá.

Cán bộ Sở Tài chính Quảng Nam tiếp tục trao đổi thêm với một số người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế, nhưng không có đơn vị nào báo giá, vì máy không theo đúng cấu hình hoặc không kịp có hàng. Một số công ty khác báo giá cao hơn 7,5 tỷ đồng, nhưng sau đó liên lạc để giảm giá thì không được.

Ngành tài chính đã tham khảo hợp đồng ký ngày 29/7/2019, thời điểm Covid-19 chưa bùng phát của một đơn vị mua có cấu hình giống máy của Sở Y tế Quảng Nam đề xuất, giá là 9,3 tỷ đồng. 

“Từ các tham chiếu, Sở Tài chính thấy việc mua máy cần cấp bách, đề xuất gói thầu của Công ty Giải pháp Việt, vì không có đơn vị nào cung cấp và báo giá thấp hơn”, ông Chín nói, giải thích “vì tính khẩn cấp nên phải chỉ định thầu rút gọn”.

Giám đốc Chín khẳng định “quá trình thực hiện là đúng, còn mức giá 7,2 tỷ đồng ngành tài chính không thể đánh giá đắt hay rẻ. Giá phụ thuộc vào cung – cầu”. Hiện nay, hệ thống máy xét nghiệm chưa được nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, nếu có tiêu cực thì chưa thất thoát tiền.

Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính. Ảnh: Đắc Thành.
Ông Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành.

Chiều 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp nghe các sở và doanh nghiệp giải trình việc mua bán máy xét nghiệm Realtime PCR. Bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Giải pháp Việt, đề xuất giảm giá hợp đồng xuống 4,8 tỷ đồng, khẳng định quá trình mua bán không nâng khống giá. Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Hai đề xuất phương án Công ty Giải pháp Việt “lấy lại máy”.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh sau đó quyết định thanh tra đột xuất các gói thầu phòng chống Covid-19, trong đó có hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/5. “Nếu phát hiện sai phạm thì chuyển công an điều tra”, ông Thanh nói, yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam chưa chuyển tiền thanh toán hợp đồng cho doanh nghiệp. 

Trước đó ngày 22/4, Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) và 6 người với cáo buộc gian lận mua sắm hệ thống Realtime PCR. Nhà chức trách cho biết, khi nhập về Việt Nam giá máy khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, lên đến 7 tỷ đồng.

Realtime PCR được giới thiệu là hệ thống mở cho phép chạy được nhiều loại hóa chất có thể xét nghiệm được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, không riêng nCoV. Trên thị trường, phần lớn máy phải nhập từ Đức hoặc một số nước châu Âu với giá từ 2,5 tới 10 tỷ đồng, tùy công suất và cấu hình. 

Đắc Thành – Vnexpress