Cuối năm 2020, Duan bỏ ra hơn 50.000 nhân dân tệ (khoảng 178 triệu đồng) cho Xuebajun, nền tảng gia sư trực tuyến. Nhưng từ tháng 12, anh không thể gọi điện hay liên lạc cho giáo viên, nhân viên trung tâm trong khi con trai anh còn 300 buổi học thêm online chưa sử dụng. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi ngân hàng liên tục gọi điện giục anh trả nợ khoản vay để đóng học phí cho con.
Sau đó một tháng, Xuebajun tuyên bố sắp phá sản bởi các nhà đầu tư không cấp vốn. Được coi là “kỳ lân” (thuật ngữ chỉ các startup được định giá trên 1 tỷ USD) trong lĩnh vực Edtech (công nghệ giáo dục), nền tảng giáo dục trực tuyến này từng nhận 155 triệu USD tiền đầu tư trong vòng gọi vốn mới nhất vào năm 2016.
Khoảng 50.000 học sinh đã đăng ký các khóa học trên Xuebajun, trong đó 30.000 người là khách hàng cũ. Phụ huynh chi trung bình khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 71 triệu đồng), thậm chí 100.000 nhân dân tệ (khoảng 356 triệu đồng), để mua các khóa học tại Xuebajun.
Giáo dục là mối bận tâm hàng đầu của cha mẹ Trung Quốc. Nghiên cứu năm 2018 chỉ ra hàng năm họ chi trung bình 120.000 nhân dân tệ (khoảng 428 triệu đồng) cho việc học thêm. Họ mong rằng con cái không bị tụt lại so với bạn bè đồng trang lứa trong bối cảnh giáo dục cạnh tranh gay gắt tại quốc gia này.
Khi Covid-19 xuất hiện, nhiều phụ huynh đã giảm một nửa đầu tư vào việc học thêm do trường học đóng cửa. Tuy nhiên, sau khi các trường tái mở cửa, họ chi mạnh hơn vì lo lắng cho tương lai của con cái.
Đoán được tâm lý này, Xuebajun đã khuyến khích phụ huynh trả trước học phí ít nhất một năm và hứa hẹn bán với mức giá ưu đãi. Zhu, cựu nhân viên tại Xuebajun, cho biết công ty đã yêu cầu nhân viên đẩy mạnh việc bán các khóa học trong năm 2020, đặt mục tiêu doanh số cao. Thậm chí, nhân viên được hướng dẫn bài mẫu để thuyết phục phụ huynh.
Đầu tiên, nhân viên nhận xét điểm số các bài thi của học sinh được cải thiện trong thời gian gần đây. Sau đó, họ lập tức chỉ ra những vấn đề tiềm ẩn trong học tập của các em rồi giải thích Xuebajun có những giải pháp như thế nào. Phụ huynh sẽ không ngần ngại chi tiền cho những “giải pháp” này.
Hành động này đi ngược lại chính sách năm 2019 của Bộ Giáo dục Trung Quốc, yêu cầu các nền tảng giáo dục trực tuyến không được phép thu học phí quá 3 tháng hoặc tương đương 60 buổi học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh như Duan đã đặt cọc hơn 100 buổi cho Xuebujan và không thể đòi lại.
Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp Edtech cũng gặp khó khăn tài chính như Xuebajun. Hiện, nhóm này đầu tư rất nhiều tiền cho việc tiếp thị. Quảng cáo của họ có mặt khắp mọi nơi tại các đô thị lớn, dưới nhiều hình thức như áp phích, banner, truyền hình. Cuộc cạnh tranh quảng cáo giữa các công ty Edtech rất khốc liệt, đặc biệt khó cho Xuebajun vì công ty đã không nhận được nguồn vốn mới từ năm 2016.
Theo quy chuẩn ngành, một nửa học phí của khách hàng mới được dùng để trang trải chi phí chiêu mộ. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động với tỷ suất lợi nhuận rất mỏng.
Một vấn đề khác gây ra sự sụp đổ của Xuebajun là mô hình kinh doanh gia sư online một kèm một. Mặc dù các video dạy thêm như vậy giúp học sinh cải thiện học tập, nâng cao điểm số, chi phí rất tốn kém. Khoảng 1/2 tiền phí theo giờ được dùng để trả lương cho giáo viên.
Từ vụ phá sản trên, các nhà nghiên cứu lo ngại phụ huynh sẽ cân nhắc việc học thêm trực tuyến và đầu tư vào phương thức giáo dục khác. “Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào việc kinh doanh của tôi và giờ khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi không chắc đủ khả năng cho con học thêm trong tương lai gần”, Duan cho biết.
Dung Ly (Theo CGTN) – Vnexpress