Mặt lưng Galaxy S20 Ultra dễ nứt vỡ

Mặt lưng Galaxy S20 Ultra bị nứt ngay trong lần thử nghiệm thả rơi đầu tiên do được làm bằng kính, trong khi chức năng khác hoạt động bình thường.

Màn thả rơi Galaxy S20 Ultra được thực hiện bởi Cnet, lần lượt ở độ cao 0,9 mét (mô phỏng việc rơi từ túi quần khi sử dụng hàng ngày) ở hai trạng thái nằm ngửa và nằm úp xuống nền bê tông. Sau đó, trang này tiếp tục thả tự do nhiều lần ở độ cao khoảng 1,6 mét.

Thả rơi Galaxy S20 Ultra thử độ bền
Thử nghiệm thả rơi Galaxy S20 Ultra. Video: Cnet.
   

Ở màn thả rơi đầu tiên ở độ cao 0,9 mét với trạng thái nằm ngửa và tiếp đất bằng mặt lưng, smartphone của Samsung bị nứt mặt kính ở phía sau, trừ cụm camera. Hai góc bên trái của máy cũng bị trầy khá mạnh do đây là nơi tiếp đất trước. Tuy nhiên, màn hình không sao, vẫn hoạt động bình thường.

Khi thả rơi Galaxy S20 Ultra trong trạng thái nằm úp ở cùng độ cao 0,9 mét, góc trái bên dưới bị trầy mạnh, nhưng màn hình chỉ có một vài vết nứt nhỏ, không ảnh hưởng đến hoạt động của smartphone này.

Với thí nghiệm rơi tự do ở độ cao gần 1,6 mét, mặt lưng máy bắt đầu có nhiều vết nứt hơn. Biên tập viên của Cnet tiếp tục thả thêm một lần nữa và lần này xuất hiện các vết nứt chằng chịt, nhất là phần viền phải của máy. Tuy nhiên, phần kính bảo vệ camera cũng như màn hình hầu như không bị tác động nhiều.

Sau màn “tra tấn”, nữ biên tập viên đã thử lại chức năng của máy, như mở ứng dụng, mở camera và thử phóng to, chụp góc siêu rộng… Tất cả đều hoạt động bình thường.

Cnet kết luận, Galaxy S20 Ultra dễ bị “tổn thương” ở phần mặt lưng, nhưng đây là điều dễ hiểu do bề mặt của nó được làm bằng kính. Trang này khuyên người dùng nên sử dụng ốp lưng cho smartphone mới nhất của Samsung để hạn chế sự cố khi vô tình làm rơi máy.

Galaxy S20 Ultra là smartphone cao cấp nhất trong bộ ba Galaxy S20 ra mắt hồi tháng 2. Bên cạnh cấu hình cao hơn, phiên bản này còn được trang bị mặt lưng với kính cường lực Gorilla Glass 6, trong khi hai thiết bị còn lại sử dụng Gorilla Glass 5.

Theo Vnexpress