Theo nhà sáng lập Facebook, quy mô lớn của công ty có lợi cho cộng đồng bởi họ có thể đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho bảo mật, ngăn chặn tin tức giả mạo.
Trước ý kiến của nhà đồng sáng lập Chris Hughes và những người kêu gọi các nhà quản lý chia tách Facebook, Instagram và WhatsApp, CEO Facebook đã đáp trả mạnh mẽ.
“Khi tôi đọc những gì anh ấy viết, suy nghĩ của tôi là những gì anh ta đề xuất sẽ chẳng thể giúp giải quyết vấn đề. Tôi nghĩ rằng nếu điều bạn quan tâm là dân chủ và bầu cử, bạn muốn một công ty như chúng tôi đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm (chúng tôi vẫn đang làm) để phát triển các công cụ thực sự tiên tiến chống lại các yếu tố can thiệp từ bên ngoài”, Zuckerberg nói với France Info khi ở Paris chuẩn bị cho cuộc hội kiến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Lập luận của Zuckerberg bác bỏ hoàn toàn ý kiến cho rằng các vấn đề cụ thể của Facebook như bảo mật, an toàn, thông tin sai lệch có thể được giải quyết trực tiếp bằng cách chia nhỏ công ty.
Về mặt lý thuyết, các ứng dụng của Facebook sẽ có quy mô nhỏ hơn khi đầu tư vào các công nghệ an toàn như AI để phát hiện các bot truyền bá nội dung ảnh hưởng đến cử tri.
Chris Hughes – đồng sáng lập Facebook – cho rằng “sức mạnh của Mark là không thể đo đếm” và việc Facebook liên tục mua lại, sao chép tràn lan khiến nó nổi trội đến mức ngăn cản sự cạnh tranh.
Nhận định tương tự từng được đưa ra bởi các nhà điều hành Facebook trước đây như chủ tịch đầu tiên Sean Parker hay Giám đốc tăng trưởng Chamath Palihapitiya.
Tuy nhiên, Zuckerberg cho rằng quy mô của Facebook có lợi cho cộng đồng. “Ngân sách cho bảo mật của chúng tôi năm nay lớn hơn toàn bộ doanh thu công ty khi chúng tôi IPO hồi đầu thập kỷ. Có được điều đó là nhờ chúng tôi có thể xây dựng mô hình kinh doanh thành công. Chúng tôi đầu tư vào bảo mật nhiều hơn bất cứ mạng xã hội nào”, CEO Facebook nói.
Cùng thời điểm, Nick Clegg – Chủ tịch truyền thông toàn cầu của Facebook – cũng phản bác quan điểm của Chris Hughes cho rằng Facebook đang thống trị thế giới online. Ông này khẳng định doanh thu của Facebook chỉ chiếm 20% ngành quảng cáo.
Clegg cũng khẳng định quy mô của Facebook không phải vấn đề thực sự – chính quy mô đó giúp họ sáng tạo và kết nối hàng tỷ người.
Ông này nhấn mạnh những gì Facebook đã làm trong vài năm qua: loại bỏ nội dung khủng bố, nói xấu, ngăn chặn nỗ lực của chính quyền một số nước làm ảnh hưởng đến bầu cử và bảo vệ dữ liệu người dùng. “ĐIều này là không thể với một công ty nhỏ”.
Tuy nhiên, điều này càng làm sáng tỏ lập luận của Chris Hughes: không vấn đề nào kể trên xảy ra với những công ty nhỏ. Nó chỉ xuất hiện khi Faceook có tầm vóc như hiện nay, có tác động đến cả thế giới. Nó cũng có thể được xử lý dễ dàng hơn với những công ty nhỏ, theo The Verge.
Theo Zing.vn