Lý do Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc ở Campuchia

Trừng phạt một công ty Trung Quốc đang xây dựng tại Campuchia, Mỹ cho thấy ngày càng bất an trước sức ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 15/9 thông báo đưa tập đoàn phát triển bất động sản Union Development Group (UDG) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen do các hoạt động liên quan tới dự án Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong, Campuchia. UDG đang xây khu phức hợp gồm bến cảng, sân bay và khu nghỉ dưỡng Dara Sakor tại một công viên quốc gia ở Koh Kong, sở hữu đường băng có khả năng tiếp nhận những máy bay lớn nhất thế giới.

Một công trường của dự án xây dựng do Trung Quốc làm chủ ở Dara Sakor. Ảnh: NYTimes.
Một công trường của dự án xây dựng do Trung Quốc làm chủ ở Dara Sakor. Ảnh: NYTimes.

Washington cho rằng dự án Dara Sakor, được triển khai trên một khu vực bờ biển có diện tích 36.000 hecta, “có thể được sử dụng để lưu trữ các tài sản quân sự (Trung Quốc)”, “đe dọa ổn định của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gây ảnh hưởng tới chủ quyền Campuchia và an ninh của các đồng minh Mỹ”.

Tập đoàn Trung Quốc còn bị cáo buộc thâu tóm đất đai của người dân để phát triển dự án, phá hoại môi trường, gây ảnh hưởng tới đời sống các cộng đồng địa phương.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, UDG đã đăng ký giả mạo làm một công ty Campuchia để nhận đất với kế hoạch ban đầu là triển khai dự án du lịch nhưng sau đó chuyển đổi để phục vụ mục đích quân sự.

Các quan chức chính quyền Mỹ đánh giá động thái vừa qua từ phía Bộ Tài chính là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây áp lực mạnh mẽ hơn lên các công ty Trung Quốc đang góp sức giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng quân sự trên toàn cầu.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng “tham vọng quân sự của Trung Quốc” giờ đây không chỉ còn gói gọn trong khu vực. “Tham vọng đó đã vươn ra toàn cầu”, ông nói.

Trung Quốc đã sử dụng phần lớn căn cứ hải quân Ream, gần thành phố Sihanoukville, Campuchia. Một thỏa thuận đạt được giữa hai nước cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc hoạt động tại đây, lưu trữ vũ khí và cập bến tàu chiến, theo các quan chức Mỹ am hiểu thỏa thuận. Ngoài Dara Sakor, UDG đang tích cực phát triển cơ sở này.

Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 8 trừng phạt hơn 20 công ty Trung Quốc, bao gồm một số công ty con thuộc Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), vì vai trò trong hoạt động xây dựng trái phép và quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông. CCCC hiện cũng hoạt động ở Campuchia.

Đường băng đang xây dựng tại sân bay quốc tế Dara Sakor của Campuchia nhìn từ trên cao. Ảnh: NYTimes.
Đường băng đang xây dựng tại sân bay quốc tế Dara Sakor của Campuchia nhìn từ trên cao. Ảnh: NYTimes.

Mỹ lo ngại về tất cả các hoạt động xây dựng căn cứ của Trung Quốc trên toàn thế giới song hiện tại, Campuchia là mối quan tâm hàng đầu. Các biện pháp trừng phạt ngày 15/9 chỉ là một trong số nhiều hành động mà giới chức Mỹ đang cân nhắc nhằm ngăn chặn Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Campuchia, chuyên gia đánh giá.

“Chúng tôi chắc chắn rất lo lắng về hoạt động (của Trung Quốc) ở Campuchia trong vài tháng qua và đang tìm cách gia tăng áp lực”, một quan chức chính quyền Mỹ cho hay.

Bộ Quốc phòng Mỹ, trong báo cáo thường niên trình lên quốc hội hồi đầu tháng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, lưu ý Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng hàng loạt căn cứ ở nước ngoài nhằm hỗ trợ hoạt động của quân đội. Nó nằm trong chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu mà Trung Quốc đề ra, bắt kịp hoặc vượt qua sức mạnh quân sự Mỹ vào giữa thế kỷ 21.

Ngoài căn cứ Djibouti ở châu Phi, theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có thể đang cân nhắc lập căn cứ ở hàng loạt nước khác tại châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Giới chức an ninh Mỹ còn lo ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh, trong đó đáng chú ý hơn cả là tại Argentina. Theo đó, Bắc Kinh đã lắp đặt một trạm vệ tinh không gian do quân đội điều hành ở nước này và đang làm việc với chính phủ Argentina để triển khai một số chương trình hạt nhân, vũ trụ khác.

Các biên pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ được đưa ra sau khi chính quyền Trump mới đây công bố về cái mà họ gọi là “diễn đàn hợp tác chiến lược” mới và mở rộng với khu vực sông Mekong.

Courtney Hulse, nhà phân tích tại RWR Advisory Group, công ty chuyên theo dõi các hoạt động đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới, ước tính Trung Quốc đã đầu tư khoảng 34,1 tỷ USD vào Campuchia kể từ năm 2013 đến nay. Còn Mỹ từ năm 2009 mới chi 3,9 tỷ USD viện trợ cho toàn bộ khu vực sông Mekong.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Campuchia và các láng giềng cần cảnh giác hơn với Trung Quốc, nước mà theo ông là “đang ngày càng đe dọa môi trường tự nhiên và quyền tự chủ kinh tế của khu vực sông Mekong”.

Vị trí sân bay Dara Sakor và quân cảng Ream ở tây nam Campuchia. Đồ họa: GIS.
Vị trí sân bay Dara Sakor và quân cảng Ream ở tây nam Campuchia. Đồ họa: GIS.

Viện Chính sách Xã hội châu Á tuần trước đăng một báo cáo nhận định hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Dara Sakor có thể kết hợp với các cơ sở quân sự khác mà Bắc Kinh thiết lập ở Biển Đông nhằm “về cơ bản tạo ra một vành đai quân sự xung quanh Biển Đông”.

“Tối thiểu thì các cơ sở lưỡng dụng ở Campuchia có thể mở rộng năng lực trên không và trên biển của quân đội Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại cho quân đội Mỹ và các nước láng giềng”, báo cáo có đoạn.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, SCMP) – Vnexpress