Thị trường trong nước chịu tác động lớn bởi diễn biến xấu của các chỉ số Phố Wall trong phiên giao dịch cuối tuần. Bên cạnh đó, áp lực bán ngày càng mạnh của khối ngoại cũng khiến thị trường có lúc rơi tự do và chốt phiên sát ngưỡng hỗ trợ 880 điểm.
Khối ngoại mua vào hơn 1.100 tỷ đồng, nhưng bán ra vượt 1.500 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa giá trị bán ròng đạt trên 370 tỷ đồng và kéo dài trạng thái này sang phiên thứ 14 liên tiếp.
Luỹ kế cả tháng, khối ngoại bán ròng hơn 2.730 tỷ đồng. Những cổ phiếu bị “xả hàng” mạnh tay phần lớn thuộc rổ vốn hoá lớn như MSN, VIC, NVL, VNM.
Nói với VnExpress, giám đốc một công ty chứng khoán tại TP HCM nêu hai nguyên nhân của tình trạng bán ròng kéo dài. Thứ nhất là diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, đặc biệt đang lan nhanh tại Hàn Quốc – nơi xuất phát của dòng vốn lớn chảy vào thị trường Việt Nam.
Thứ hai, yếu tố quan trọng nhất, là khối ngoại đang chuẩn bị tiền để rót vào các quỹ ETF vừa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận gồm SSIAM VNFin Lead ETF và VFMVN Diamond ETF.
SSIAM VNFin Lead ETF là quỹ hoạt động dựa trên chỉ số VNFin Lead Index vừa được HoSE triển khai từ cuối năm 2019. Còn VFMVN Diamond ETF mô phỏng theo chỉ số VN Diamond Index với danh mục dự kiến gồm 14 cổ phiếu.
“Khối ngoại tập trung bán tại các bluechip, ngoài chuẩn bị tiền, còn nhằm nén giá để giúp các khoản đầu tư vào ETF sắp tới đạt hiệu quả tốt hơn”, vị này nói.
Chuyên gia này ước tính khối ngoại sẽ rút khoảng 4.000 tỷ đồng để đưa vào các quỹ. Số tiền hiện mới đạt khoảng phân nửa nên tình trạng bán ròng có thể còn tiếp diễn trong 2 tuần đầu tháng sau.
Đồng quan điểm hai quỹ ETF mới xuất hiện có thể tác động đến việc bán ròng, nhưng ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng đó chưa phải nguyên nhân chủ đạo. Quy mô ban đầu của hai quỹ ETF khá nhỏ, dựa trên bộ chỉ số dành cho những cổ phiếu hết room và đặc thù ngành tài chính, nên khó hấp dẫn khối ngoại.
“Tâm lý nhà đầu tư nước ngoài thường chuộng rót vốn vào những cổ phiếu cụ thể, giúp họ tiện quan sát hơn là đưa tiền vào một cái túi chung”, ông Hiếu nói. Chuyên gia này liệt kê 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc bán ròng của khối ngoại, gồm: dịch bệnh làm tăng sự thận trọng khi giải ngân đầu tư; dịch bệnh khiến viễn cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp bớt “màu hồng” hơn; chứng khoán tại nhiều nước châu Á giảm điểm, đặc biệt là Hàn Quốc, cũng mở ra cơ hội hấp dẫn nên dòng vốn được rút ra để đầu tư tại đây.
Việc nhà đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu dừng bán ròng đã tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường. VN-Index có 3 phiên giảm mạnh đan xen với 2 phiên tăng nhẹ trong tuần này, qua đó mất 52 điểm so với mức đóng cửa của tuần trước. Đây là tuần giao dịch tệ nhất từ sau Tết Nguyên đán, nếu không tính 2 ngày đầu tiên thị trường hoạt động trở lại và mất gần 55 điểm.
Phương Đông – Vnexpress