Vụ không kích giết chết tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 3/1 được coi là đòn giáng mạnh vào lực lượng từng được mệnh danh là “cánh tay nối dài giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông”, đồng thời khiến căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang đáng kể.
Quds là lực lượng đặc nhiệm thuộc biên chế IRGC và phụ trách toàn bộ hoạt động tác chiến của Tehran ở nước ngoài. “Nhiệm vụ của họ là thúc đẩy cách mạng Hồi giáo ở ngoài lãnh thổ Iran”, tiến sĩ Jack Watling, học giả thuộc Viện Quân sự Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.
Quds được triển khai lần đầu trong chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988) và bắt đầu tài trợ cho hàng loạt nhóm vũ trang trong khu vực. Dưới sự chỉ đạo từ Tehran, lực lượng Quds đã thiết lập, phát triển quan hệ, huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng dân quân ở Afghanistan, Iraq, Lebanon, Syria và Palestine, theo báo cáo do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) công bố tháng 5/2019.
Sự hiện diện của Quds giúp Iran duy trì khả năng răn đe với Israel và Mỹ, những quốc gia có quan điểm thù địch với Tehran từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Đặc nhiệm Quds áp dụng triệt để hình thức chiến tranh phi truyền thống và bất đối xứng, do Iran không đủ khả năng xây dựng lực lượng chính quy đối đầu trực diện với Mỹ. Họ hoạt động hoàn toàn bí mật thông qua các lực lượng ủy nhiệm, giúp Tehran phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm với những hoạt động quân sự tại Trung Đông.
Một số đơn vị Quds chuyên phát triển cơ sở tình báo địa phương, tương tự Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong khi số khác đóng vai trò giống đặc nhiệm Mũ nồi Xanh của Mỹ với nhiệm vụ huấn luyện các lực lượng vũ trang nước ngoài.
Đặc nhiệm Quds bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ, tấn công doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ và lính dù Pháp ở Beirut, Lebanon năm 1983 khiến 307 người thiệt mạng. Họ cũng bị tình nghi liên quan tới vụ tấn công một trung tâm Hồi giáo ở Buenos Aires năm 1994. Iran bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này.
Sự can dự của Iran vào Iraq sau chiến dịch quân sự của Mỹ năm 2003 khiến quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng căng thẳng. Tổng thống Mỹ George W. Bush từng liệt Iran vào “trục ma quỷ”, cáo buộc đặc nhiệm Quds cung cấp bom cho phiến quân sát hại lính Mỹ năm 2007.
Đặc nhiệm Quds được triển khai đến Syria sau khi phong trào biểu tình bùng phát ở nước này năm 2011. Khi nội chiến Syria nổ ra sau đó, các binh sĩ Quds vừa đóng vai trò cố vấn cho quân đội chính phủ Syria, vừa trực tiếp tham chiến tại nhiều điểm nóng.
Để đối phó sự trỗi dậy của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Iran đã mở rộng sự hiện diện của đặc nhiệm Quds ở cả Iraq và Syria. Họ huy động được hàng chục nghìn dân quân người Shiite chiến đấu dưới lá cờ Lực lượng Tổng động viên (PMU) được chính phủ Iraq chấp thuận.
Watling ước tính đặc nhiệm Quds hiện nay có khoảng 17.000-21.000 người, phân chia thành các lữ đoàn theo từng khu vực. Những người được tuyển chọn vào Quds đều có trình độ tác chiến cao, được coi là những binh sĩ tinh nhuệ nhất trong IRGC.
Ảnh hưởng của Iran ở Iraq, Lebanon, Syria và Yemen đã mở rộng đáng kể nhờ Quds, điều mà các lãnh đạo khu vực chưa từng nghĩ tới. Giới quan sát cho rằng đòn không kích của Mỹ hạ sát tướng Soleimani có tác động rất nhỏ đến quá trình gây ảnh hưởng này của Iran. Chưa đầy một ngày sau khi Soleimani chết, Iran đã bổ nhiệm một tướng khác thay thế ông này lãnh đạo đặc nhiệm Quds.
“Cái chết của tướng Soleimani khó lòng gây gián đoạn năng lực tác chiến của Quds nói riêng và Iran nói chung. Tehran nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực thi chiến lược dựa vào lực lượng ủy nhiệm và khả năng tác chiến phi truyền thống như trước đó”, chuyên gia Aniseh Tabrizi thuộc RUSI nhận định.
Duy Sơn (Theo NBC News, WATM) – Vnexpress