Livestream giống truyền hình thực tế

Trước tác động của virus corona, ngành công nghiệp livestream Trung Quốc đã phát triển các mô hình mới giống chương trình truyền hình thực tế trên TV.
Các đài truyền hình Trung Quốc cũng phải thay đổi
Các đài truyền hình Trung Quốc cũng phải thay đổi mô hình để tiếp tục hoạt động. Ảnh: BBC.

Virus corona bùng phát tại Trung Quốc khiến hàng triệu người phải tự cách ly ở nhà, ngành công nghiệp livestream đã thích nghi nhanh chóng nhờ nhiều loại hình phát trực tiếp kiểu mới, mô phỏng chương trình truyền hình thực tế trên TV. Khán giả Trung Quốc có thể thưởng thức người nổi tiếng ca hát, nấu ăn và tập thể dục tại nhà riêng qua livestream.

Bất chấp xu hướng livestream thay đổi, cộng đồng streamer (hơn 524 triệu người ở Trung Quốc) vẫn phải lựa chọn nội dung cẩn thận, đặc biệt khi đề cập đến tình hình ở Vũ Hán.

Những chương trình livestream kiểu mới

Vào cuối tháng 1/2020, lượng khán giả trong những buổi livestream quá trình xây dựng hai bệnh ở Vũ Hán đã tăng đột biến. Nhận thấy sức hấp dẫn của các buổi phát trực tiếp đối với khán giả trong thời kỳ dịch bệnh, một số chương trình livestream độc đáo đã ra đời.

Guangzhou Daily ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt “chương trình thực tế trên đám mây”. Trong đó, nghệ sĩ chỉ cần một chiếc smartphone hoặc máy tính và kết nối mạng tốt là có thể tham gia. Ví dụ, Eat Well là chương trình nấu ăn kéo dài một giờ mỗi ngày, lên sóng Youku (dịch vụ giống YouTube ở Trung Quốc) từ hôm 8/2. Xuyên suốt chương trình, khán giả sẽ được đến thăm nhiều gia đình khác nhau và xem họ tự chế biến bữa ăn.

Chương trình thực tế trên đám mây Games at Home là nơi
Chương trình thực tế trên đám mây Games at Home là nơi những người nổi tiếng tham gia thử thách tại nhà. Ảnh: BBC.

Vào giữa tháng 2/2020, iQiyi (dịch vụ tương tự Netflix của Baidu) phát sóng chương trình thực tế mới có tên Karaoke at Home. Qua đó, người dùng mạng xã hội có thể gửi yêu cầu bài hát để các ca sĩ biểu diễn trực tiếp tại nhà riêng. Trong khi đó, Games at Home là nơi những người nổi tiếng tham gia vào thử thách khác nhau ở nhà, chẳng hạn “Ai có thể chống đẩy nhiều nhất”.

Các đài truyền hình tìm cách thích nghi

Sự phổ biến của những chương trình livestream kiểu mới cùng việc người dân bị hạn chế ra đường đã làm gián đoạn hoạt động của các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế trên TV.

Kể từ cuối tháng 1/2020, khoảng 780 triệu người, tương đương nửa dân số Trung Quốc, đã bị cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Ngoài ra, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc kêu gọi các đài truyền hình sửa lịch phát sóng, “giảm chương trình giải trí” và tăng cường công tác tuyên truyền về dịch bệnh.

Khi lượng khán giả trực tuyến ngày càng đông, nhiều chương trình TV truyền thống buộc phải thay đổi để tiếp tục hoạt động, bất chấp việc thiếu vắng các ngôi sao tại trường quay.

Chương trình talk show Day Day Up cho phép khách mời tham gia ngay tại nhà. Ảnh: BBC.
Khách mời ở nhà và hát theo giai điệu của bộ phim Frozen trong chương trình talk-show Day Day Up. Ảnh: BBC.

Ví dụ, Singer, chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng ở Trung Quốc, thường tổ chức trong hội trường với các thí sinh biểu diễn trực tiếp trước khán giả và ban giám khảo. Tuy nhiên, kể từ ngày 21/2, người xem đã thấy ban giám khảo và thí sinh tham gia ngay tại nhà.

Chương trình talk-show Day Day Up cũng duy trì hoạt động dưới hình thức của cuộc họp trực tuyến với các khách mời trả lời từ nhà của họ. Còn chương trình Street Dance cũng đổi sang hình thức xét tuyển ứng viên thông qua video tự quay ghi lại cảnh họ nhảy mua ở nhà.

Vũ Hán: thành phố của các streamer

Trước khi virus corona bùng phát, Vũ Hán đã được coi như thành phố dành cho các streamer tại Trung Quốc. SCMP cho biết, các công ty lớn đầu tư hàng triệu USD để “thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ kỳ lân công nghệ tiếp theo” tại đây. Vào tháng 12/2017, một “ngôi làng” livestream đã được xây dựng ở Vũ Hán với các căn phòng thiết kế theo kiến trúc châu Âu dành cho khoảng 100 streamer.

Đường hầm sông Dương Tử ở thành phố Vũ Hán bị phong tỏa vào cuối tháng 1/2020. Ảnh: Straits Times.
Đường hầm sông Dương Tử ở thành phố Vũ Hán bị phong tỏa vào cuối tháng 1/2020. Ảnh: Straits Times.

Thành phố trung tâm của tỉnh Hồ Bắc là nơi đặt văn phòng đại diện của nhiều nền tảng livestream nổi tiếng như Douyu (phiên bản TikTok của Trung Quốc). Trước sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp livestream, chính quyền Vũ Hán đã tạo ra tiền lệ khi ban hành tiêu chuẩn đầu tiên cho các nền tảng phát trực tiếp, gồm quy định về “nội dung, giám sát tài khoản, kiểm tra nền tảng và cách ăn mặc”, theo China Daily.

Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1, video dạng nhật ký trở nên phổ biến. Người dân đua nhau livestream cuộc sống hàng ngày của họ trong khu vực cách ly. Đương nhiên, các buổi livestream có nội dung chống lại chính phủ Trung Quốc đều được coi là không thể chấp nhận. Chen Qiushi, một vlogger sở hữu những video “phản ánh thực tế đang diễn ra” ở Vũ Hán thu hút hàng nghìn lượt xem cho biết: “Các quy tắc kiểm duyệt rất nghiêm ngặt và tài khoản khán giả sẽ bị đóng nếu họ chia sẻ nội dung của tôi”.

Việt Anh (theo BBC) – Vnexpress