Chính quyền thị trấn Mogo, bang New South Wales (NSW), Australia đêm giao thừa yêu cầu người dân sơ tán khẩn cấp, khi đám cháy rừng vượt kiểm soát đe dọa tính mạng của họ. Tuy nhiên, Rachel Yeo, người trông thú tới từ Singapore, đã bất chấp cảnh báo để tới Công viên Động vật Hoang dã Mogo, nơi cô làm việc.
“Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là phải tới sở thú để kiểm tra các con vật. Ưu tiên của tôi là đảm bảo chúng an toàn. Đây là hành trình đơn độc nhất tôi từng thực hiện, bởi khi tôi lái xe về phía sở thú, mọi người đều chạy theo chiều ngược lại”, Yeo kể lại.
Người phụ nữ 31 tuổi cho biết cư dân địa phương về cơ bản đều đã chuẩn bị tinh thần trước khi đám cháy lan đến. “Đó thực sự là ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi. Ngọn lửa lao đến như con quái vật khổng lồ. Bạn có thể ngửi thấy khói, cảm nhận sức nóng thiêu đốt và địa ngục màu đỏ bao trùm tầm mắt. Không khí quá căng thẳng”, Yeo mô tả.
Công viên Động vật Hoang dã Mogo là nơi cư trú của khoảng 200 động vật, bao gồm sư tử, hươu cao cổ, ngựa vằn và tê giác. Nhiều loài quá lớn hoặc khó sơ tán an toàn. Các nhân viên đã làm mọi điều có thể để bảo vệ, che chở và chuẩn bị cho chúng trước thảm họa, nhưng tổn hại do đám cháy rừng lớn chưa từng thấy là không thể tránh khỏi. Đối với thị trấn chỉ vỏn vẹn khoảng 300 cư dân như Mogo, việc hơn 176 ngôi nhà bị tàn phá và hai người thiệt mạng là tổn thất tàn khốc.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ cháy rừng càn quét khắp Australia trong những tuần gần đây, thiêu rụi diện tích rừng rộng lớn. NSW là bang thiệt hại nặng nề nhất và đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 11/2019. Ít nhất 28 người thiệt mạng trên toàn Australia, hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy, trong đó có 1.588 ngôi nhà tại NSW. Hơn 7,3 triệu hecta đất đã bị thiêu rụi tại 6 bang. Theo ước tính từ các nhà sinh học, một tỷ động vật có thể đã chết.
Yeo mới làm việc tại sở thú ở Mogo từ đầu tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, cô vẫn đối xử với số thú ở đây, đặc biệt là những con thuộc bộ linh trưởng mà cô chăm sóc hàng ngày, như gia đình mình.
“Chúng tôi có mối liên hệ chặt chẽ với con vật của mình. Đó không phải một con cầy vằn hay vượn, mà là những người bạn thân thiết của chúng tôi. Tôi sẽ không để chúng phải chịu đựng trong biển lửa”, cô nói.
Yeo cùng 14 nhân viên khác chia nhau canh gác ở các vị trí xung quanh sở thú nhằm ứng phó thảm họa, dập tắt các đám cháy nhỏ ngay lúc chúng bùng phát. Tuy nhiên, khi tình hình bắt đầu phức tạp, ngày dường như chuyển thành đêm trong làn khói dày đặc, nỗ lực của họ dần rơi vào tuyệt vọng.
“Tôi chưa từng nghĩ rằng mọi thứ có thể tồi tệ đến vậy. Tình trạng xấu ở mức đỉnh điểm kéo dài khoảng ba giờ, đám cháy vô cùng nghiêm trọng”, Chad Staples, giám đốc sở thú Mogo, cho biết. Cơ sở của anh đã bị dồn đến đường cùng.
“Tôi không thể giải thích điều đó đáng sợ đến mức nào. Khói, tro bụi, những mảnh vụn, gió cuốn tung tất cả và cảm giác như một cơn bão. Mới 10 giờ sáng nhưng tôi tưởng như đang là nửa đêm, trong khi bản thân hoàn toàn cô độc”, Yeo cho hay.
“Mọi bản năng sinh học đều mách bảo bạn phải chạy ngay đi. Tôi có thể tưởng tượng tình cảnh các con vật trải qua”, người phụ nữ Singapore nói thêm. Cô đã tìm mọi cách để tránh thiệt hại cho sở thú, cũng như các con vật không bị tổn thương.
Mối nguy hiểm cuối cùng cũng được đẩy lùi nhờ gió đổi chiều. Hôm 15/1, lượng mưa tới 80 mm đã trút xuống các bang đang chịu thảm họa cháy rừng ở Australia, giúp dập tắt 32 đám cháy ở bang NSW. Cục Khí tượng Australia dự báo lượng mưa đạt 30-80 mm ở phía đông NSW vào ngày 16-19/1.
Dù sở thú được bảo toàn, nhiều khu vực khác tại thị trấn Mogo cũng như dải đất rộng lớn ở vùng bờ biển phía nam đã bị tàn phá, khiến người dân điêu đứng khi mất doanh thu từ ngành du lịch. “Giờ đây chúng tôi phải nỗ lực thu hút du khách quay lại. Người dân sẽ bị tổn thất vì điều này với những hệ lụy dai dẳng”, Staples cho hay.
Không được may mắn như số động vật trong sở thú, những con sống ngoài tự nhiên phải tự chống chọi giữa biển lửa và chịu tổn hại nặng nề. “Tôi đã khóc khi nghĩ tới việc quá nhiều động vật chết vì đám cháy, trong khi những con còn sống chết đói do mất nơi cư trú và nguồn thức ăn”, Yeo nói.
Một tài khoản trên nền tảng kêu gọi quyên góp GoFundMe được thành lập để hỗ trợ sở thú ở Mogo sau thảm họa đã thu được hơn 60.000 USD. Staples cho biết số tiền này sẽ được dùng để dựng một bệnh viện thú y chữa trị cho vô số động vật hoang dã bị thương, ốm hoặc đói. Anh còn dự định trồng lại cây xung quanh khu vực để cung cấp môi trường tự nhiên cho chúng.
Bất chấp những tổn thương và lo ngại về tình hình sắp tới, Yeo cho biết cô được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự gắn kết của cộng đồng nhỏ trong thị trấn Mogo, cũng như lòng dũng cảm của họ trước những thử thách. “Các nhân viên tại sở thú rất bao dung và tuyệt vời. Nhiều người trong số họ vẫn làm nhiệm vụ dù không biết ngôi nhà và gia đình mình có an toàn hay không”, cô nói.
“Mọi người đều cố gắng chung tay đóng góp. Họ thực sự kiên cường. Đây chính là tinh thần mạnh mẽ của người Australia”, Yeo cho hay.
Ánh Ngọc (Theo CNA) – Vnexpress